Tìm kiếm gì ở Nam Á

Huỳnh Vũ 23/10/2014 08:44

Sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường năm ngoái, mới đây Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới các nước Nam Á như Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka. Trong một thời gian ngắn, Nam Á trở thành khu vực nóng trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh và đổi mới trong chính sách đối với khu vực này.

Do vị trí địa lý quan trọng, Nam Á đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của Bắc Kinh, cụ thể là Vành đai kinh tế trên con đường tơ lụaCon đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, gọi tắt là Một vành đai - một con đường. Các nước Nam Á gần với Ấn Độ Dương như Maldives, Sri Lanka và Bangladesh là một kênh quan trọng kết nối Nam Á với Đông Nam Á. Nepal phía Bắc lại là một kênh quan trọng kết nối phía Tây Nam Trung Quốc với Ấn Độ. 

Việc cân bằng trong quan hệ với các nước ở Nam Á đang được giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện từng bước. Trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất ý tưởng hợp tác khu vực Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh và kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan khi ở thăm Pakistan. Tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Một tháng sau đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh, Tập Cận Bình bày tỏ quyết tâm sẽ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện Trung Quốc - Bangladesh lên một tầm cao mới. Ngoài ra, trong các chuyến thăm tới Maldives và Sri Lanka, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước Nam Á này. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong chuyến thăm Maldives Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong chuyến thăm Maldives Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mới đây có tin về khả năng ấn Độ và Pakistan có thể gia nhập tổ chức này. Nếu cả hai gia nhập SCO thuận lợi, và các nước quan sát viên như Mông Cổ, Afghanistan cũng lần lượt trở thành thành viên chính thức của SCO, khi đó Trung Quốc sẽ tạo ra được một khu vực chiến lược rộng lớn từ phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam. Khu vực chiến lược này sẽ kết nối với kế hoạch con đường tơ lụa trên biển mà Trung Quốc đề ra, từ đó hình thành vành đai chiến lược xung quanh rộng lớn từ phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam. Nam Á giữ vai trò kết nối quan trọng, bất kỳ thay đổi đáng kể nào của khu vực này đều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách của Trung Quốc ở Nam Á.     

Tuy nhiên, chính sách Nam Á của Bắc Kinh đối mặt với không ít thách thức. Thách thức lớn nhất là xóa đi những nghi ngại của các nước trong khu vực về tham vọng của Bắc Kinh. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ mong muốn thúc đẩy phát triển hòa bình và hợp tác hướng tới kết quả cùng thắng, trong đó có hợp tác với Ấn Độ vì sự thịnh vượng trong khu vực, song một số chính khách ở New Delhi cho rằng, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại Nam Á không phải là điều tốt lành. Một số nhà phân tích Ấn Độ nhận định Bắc Kinh đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình với việc bao vây New Delhi bằng cách xây dựng chuỗi ngọc trai để cuối cùng có thể phá vỡ vị thế nổi trội của nước này trong khu vực và có khả năng sẽ trở thành một mối đe dọa về kinh tế và an ninh đối với New Delhi. 

Vì vậy, chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Nam Á không chỉ nhằm cố gắng khẳng định rằng Bắc Kinh đang chú trọng hơn tới khu vực này mà còn mong muốn loại bỏ khái niệm của các nước láng giềng về mối đe dọa Trung Quốc. Giới phân tích quốc tế đã liệt kê ra những điểm mới trong chính sách đối với Nam Á của thế hệ lãnh đạo thứ 5 tại Bắc Kinh. 

Thứ nhất, ban lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự phát triển chung của khu vực. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới (ICWA), Chủ tịch Tập Cận Bình nói: Một Nam Á được hưởng hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng sẽ có lợi cho các quốc gia và nhân dân trong khu vực cũng như của Trung Quốc. Trung Quốc muốn sống hòa hợp với tất cả các nước trong khu vực và góp phần phát triển khu vực. Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với các nước có liên quan để đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối trong khu vực. 

Thứ hai, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác với các đối tác Nam Á. Về hợp tác kinh tế, trong 5 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch làm việc với các nước Nam Á để tăng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD, đầu tư vào Nam Á 30 tỷ USD và cung cấp 20 tỷ USD với các điều kiện ưu đãi cho khu vực. Cần lưu ý rằng, Bắc Kinh còn tập trung vào những hình thức hợp tác và tương tác khác với Nam Á, trong đó có nỗ lực mở rộng giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa. Bắc Kinh có kế hoạch cung cấp 10.000 suất học bổng, triển khai chương trình trao đổi và đào tạo cho 5.000 thanh niên và 5.000 giáo viên tiếng Trung của các nước Nam Á trong 5 năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ làm việc với các nước Nam Á để thực hiện Sáng kiến Đối tác Trung Quốc - Nam Á về khoa học và công nghệ, phát huy đầy đủ vai trò của Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - Nam Á và xây dựng các nền tảng mới cho sự hợp tác cùng có lợi.

Không thể phủ nhận rằng trong chuyến công du vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định chính sách ngoại giao láng giềng tốt của Trung Quốc và nỗ lực làm sâu sắc quan hệ chiến lược ở cấp độ đa phương và song phương một cách kịp thời. Điều này thể hiện trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng, các nguyên tắc ngoại giao láng giềng của Trung Quốc là hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và mang tính toàn diện.

Tuy nhiên, một vài chuyến công du ngoại giao không thể đủ để giải quyết tất cả những mối quan tâm và vấn đề tồn tại. Quan hệ của Trung Quốc tại Nam Á cần thêm thời gian để khẳng định.

Người ta đang nhìn Trung Quốc ở cách hành xử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tìm kiếm gì ở Nam Á
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO