Tìm kiếm chiều sâu tâm hồn
Con người ấy, sự xô bồ ấy, triết lý sống ấy tuy nằm trong câu chuyện thuộc về quá khứ xa xôi nhưng dường như đến tận hôm nay ta vẫn có thể bắt gặp. Bằng ánh mắt tinh nhạy, vốn sống dồi dào và ngòi bút sắc sảo, nhà văn Ma Văn Kháng đã cho người đọc một hình dung về giá trị cao cả của văn chương.
Tình người và tình đời
“Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên bề mặt của ngoại vật”. Nhà văn Ma Văn Kháng |
Chơi với nhau suốt mấy chục năm, cuộc đời bạn như thế nào ông biết hết. Từ lúc bạn bị oan do thiên kiến xã hội, bị đẩy ra khỏi biên chế trở về thân cô thế cô, không biết làm gì để sống. Bạn làm nghề… thầy cúng, làm cả cái nghề mà dân làng nói văn hoa là đi thu nhặt “nhân tông của thiên hạ” ủ bán cho hợp tác xã kiếm bát gạo… Câu chuyện của bạn cứ tự nhiên phô đầy những mảng lỗ chỗ, oái oăm, dằn vặt, đau khổ. Thế là ở tuổi 80, nhà văn Ma Văn Kháng quyết định viết Người thợ mộc và tấm ván thiên. Trong cảnh cùng cực và đầy căm giận, bạn được người thợ mộc bày cách đi lấy tấm ván thiên ngoài bãi tha ma về làm đồ gia thất tặng kẻ gây ác cho mình. Bạn đi theo. Để rồi, trước cơ hội trả thù, bạn từ chối, dứt khoát không lấy cái ác đối với ác, dặn lòng phải tử tế, bao dung…
“Người ta bảo đứng trước gay cấn của cuộc đời, hãy hỏi lịch sử. Còn tôi nhìn về chính mình, tìm đến những tác phẩm của ông để sống nhân đạo hơn, không thù hằn, không chế giễu, để sống bằng tình thương…”. Trong buổi giao lưu “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” với nhà văn Ma Văn Kháng, nhiều người vỡ òa cảm xúc. Thầy giáo Nguyễn Khánh Tình đã trở thành nhân vật Quang Tình trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng như vậy. Ấy là câu chuyện của một người mà nói lên bao điều về cuộc đời. Dù số phận trên trang sách có thật hay không, ta vẫn luôn bắt gặp khía cạnh nào đó về họ trong cuộc sống đời thường, trong cả chính mình.
![]() | |
Nhà văn Ma Văn Kháng ký tặng sách độc giả | Ảnh: Thái Minh |
Nhà văn Ma Văn Kháng để câu chuyện tràn lên đầu bút một cách nguyên sơ, thô ráp, đớn đau như nó vốn có. Ông cũng không cố trần tình cho ai, không phải muốn dựng lên một diễn ngôn ngôn tư tưởng nào. Viết là tự thân, như tình người, tình đời dù trong khổ sở, nghèo túng vẫn đáng quý. Với ông, mỗi cuốn sách hay đều là nơi lưu giữa bóng hình của cuộc sống đã qua không bao giờ trở lại… Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có giấy giá thú, Một mình một ngựa, Đồng bạc trắng hoa xòe… là những bóng hình như vậy. Khi đọc, ta bỗng thấy bản thân không còn quẩn quanh trong nỗi buồn cá nhân. Thay vào đó, lại thấy mình giữa lát cắt thời đại, với những nỗi niềm rộng lớn hơn nhưng không vì thế mà xa lạ.
“Cứ sống hồn nhiên”
Những mảnh ghép nhỏ của cuộc sống, của thời đại được Ma Văn Kháng gửi thêm cái tình, giá trị sống giản đơn để tạo nên không khí văn chương gần gũi. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tác phẩm của Ma Văn Kháng lại chạm sâu vào vấn đề xã hội hôm nay? Vì lý do gì mà những đề tài ông viết trước đây, bây giờ người ta vẫn tìm đến? Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Nhà văn là một thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí thời đại”. Song muốn có tầm cỡ thời đại thì người viết phải ngụp sâu vào nhân dân, đất nước mình. 18 tập tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn của Ma Văn Kháng cho thấy ông gắn bó với đời sống xã hội, với con người và thời đại ra sao. Càng gắn bó bao nhiêu thì kèm theo đó là nỗi buồn thẳm sâu, nỗi day dứt về những số phận, biến cố đời người.
Lần theo từng trang viết của Ma Văn Kháng, PGS. TS La Khắc Hòa tìm thấy hai mạch ngầm trong lớp nhân vật của ông. Nhà nghiên cứu gọi đó là “siêu chuyện” của riêng Ma Văn Kháng, là kiểu tác giả “độc hành”, hoặc nôm na như người xưa nói thì là “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Độc giả thấy trong Một mình một ngựa hay Ngược dòng nước lũ… lớp đời sống bề mặt gồm những người hời hợt, đuổi theo danh vọng và một lớp tuy chìm dưới tầng sâu song vô cùng dữ dội. Ma Văn Kháng coi lớp thứ nhất là cái phồn tạp xã hội, chỉ lớp thứ hai mới thực sự là “đời”. Có điều, muốn “đời” đến thế người ta phải sống hồn nhiên đã.
Như con ong hút mật muôn hoa nhưng cuối cùng phải tạo ra thứ mật ngọt riêng, nhà văn muốn viết sâu sắc về xã hội chỉ có thể đi từ nội lực. Theo nhà văn Ma Văn Kháng, sống với nghiệp viết giống như khi đọc, cứ đọc một cách vô tư, không trông mong bất cứ vụ lợi nào, cái gì thấm vào mình đều ở thể vô ngôn và nó sẽ tỏa ra một cách tự nhiên nhất. “Nhiều người nói về sự tìm tòi chất liệu, với tôi không hoàn toàn đúng như thế. Khi viết tôi cũng không có ý thức mình sẽ làm được những gì, đưa ra để làm gì cho thiên hạ, càng không có ý dạy dỗ ai”.
Văn học chân chính xưa nay luôn chống lại sự không tải trong tác phẩm, nghĩa là đọc mà không thấy giá trị nhân văn nào. Ma Văn Kháng chống lại tư tưởng không tải trong văn học bằng cách phóng chiếu hình ảnh con người lên trang viết và dùng cách giản đơn nhất để độc giả tự tìm thấy bóng hình của mình trên đó. “Gặp chuyện gì thấy có thể nói về con người thì viết, để qua đó mọi người tự tìm ra những lý giải cho bản thân. Giống như tôi mở đầu truyện ngắn San Cha Chải thế này: Muốn biết thế nào là San Cha Chải, mình phải leo dốc cật lực một ngày trời. Một ngày ròng gánh cực lên non, nhưng lên tới nơi mình cảm thấy ngay là được đền bù”.