Về bản chất, nguồn cơ bản để quay lại đầu tư là từ tiết kiệm, để dành. Mỗi gia đình hay quốc gia đều phải biết số tiền để dành của mình là bao nhiêu, để dùng cho việc gì (để đầu tư hay cho vay hoặc phải đi vay).
Đối với Việt Nam, các chỉ tiêu tăng trưởng GDP và thu hút FDI vẫn luôn là thước đo để đánh giá thành tích và sức khỏe của nền kinh tế. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận lại việc định hướng phát triển cho nền kinh tế về dài hạn, thay vì lấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP làm một chuẩn mực để phấn đấu. Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng cái thực chất của một quốc gia có được phải chính là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm (saving).
Chênh lệch giữa thu nhập quốc gia (GNI) và tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng. Năm 2000, chênh lệch này chỉ khoảng 1,4% thì đến năm 2022 là xấp xỉ 5%. Quy đổi ra USD, năm 2000, thu nhập sở hữu thuần ra nước ngoài chỉ khoảng 0,45 tỷ USD; đến năm 2022 là khoảng 19 tỷ USD.
Năm 2023, ước tính luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu khoảng 21 tỷ USD (trong khi đầu tư của khu vực FDI năm 2023 khoảng 23 tỷ USD). Nhưng may mắn làViệt Nam thuộc top đầu những quốc gia trên thế giới về lượng kiều hối nhận được.Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, ước tính lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Lượng kiều hối này khiến thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) không giảm nhiều so với GDP.
Sau cùng, nguồn lực cơ bản của một đất nước là khả năng để dành (saving) của nền kinh tế, cũng chính là nguồn lực cơ bản để đầu tư. So sánh tỷ lệ để dành và đầu tư so với GDP của Trung Quốc và Việt Nam cho thấy, khoảng cách giữa tỷ lệ đầu tư và để dành của Trung Quốc rất lớn, tức là đầu tư vượt quá nguồn lực. Trong nhiều năm, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc chiếm khoảng 45% GDP trong khi tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng chỉ khoảng 50%. Để đạt tăng trưởng GDP, Trung Quốc đã đầu tư quá mức. Khi đầu tư vượt quá nguồn lực sẽ dẫn đến vay mượn.
Tình hình này ở Việt Nam tương đối khác. Năm 2010, năm 2015 đến năm 2019, tỷ lệ để dành thấp hơn đầu tư, nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ để dành trên GDP vượt tỷ lệ đầu tư trên GDP. Đặc biệt, năm 2022 tỷ lệ để dành vượt tỷ lệ đầu tư khá nhiều (36,1 so với 33,8).
Về nguyên tắc, tiết kiệm lớn hơn đầu tư cho thấy nguồn lực của nền kinh tế là ổn, tuy nhiên nguồn lực này ngày càng có xu hướng nhỏ đi. Như vậy có thể kết luận rằng: nguồn lực của nền kinh tế là khá mạnh, kinh tế Việt Nam còn dư địa để phát triển. Thế nhưng, việc tiết kiệm của nền kinh tế lớn hơn đầu tư cũng đặt ra câu hỏi: Phải chăng cho thấy tiết kiệm của Việt Nam nhiều phần vẫn mang tính tiền tệ và không đi vào sản xuất. Vậy "nút thắt" là gì?
Bước sang năm 2024, cùng với việc khôn khéo xoay xở ứng phó với muôn vàn bất trắc từ bên ngoài và bên trong, một vấn đề quan trọng đặt ra với Việt Nam là gỡ được "nút thắt", khai thác được dư địa “để dành” tương đối lớn đó, để phần tiết kiệm chảy vào sản xuất, đầu tư thay vì nằm im trong két sắt.