Tìm hướng đi cho các trung tâm giới thiệu việc làm

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 03:04 - Chia sẻ
Trung tâm giới thiệu việc làm có nhiệm vụ thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động. Đây là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ quản lý nhà nước, định hướng trong giáo dục, đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho người lao động. Song, thực tế cho thấy, hiệu quả đem lại từ các trung tâm vẫn chưa thực sự như mong đợi.

Chưa thực sự kết nối cung – cầu

Ngày 28.2.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm. Văn bản này đánh dấu một bước ngoặt mới trong quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ việc làm.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm
Nguồn: ITN

Khoản đ, Điều 3, Dự thảo quy định: Điều kiện thành lập Trung tâm dịch vụ việc làm tối thiểu có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành Trung tâm phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, tính đến năm 2018, cả nước có 63 Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố với 227 chi nhánh/điểm tiếp nhận thực hiện các dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động thất nghiệp tìm được việc làm qua các trung tâm dịch vụ việc làm vẫn chỉ ở mức trên dưới 30%. Đến hết năm 2019, đã có 28 trung tâm là đơn vị tự chủ chi thường xuyên; 56 trung tâm là đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên; 14 trung tâm là đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tổng số nhân viên làm việc tại các trung tâm dịch vụ việc làm là 3.957, tăng 455 người so với năm 2014. Trong số này, các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là 3.198 người, chiếm 81%...

Đơn cử như tại TP Hà Nội, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, với vai trò của mình, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến (trong giai đoạn dịch) và tiến hành tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động (khi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh). Qua đó, đã có gần 15.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp thông qua các hoạt động này; hơn 6.000 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch góp phần điều phối ổn định về cung - cầu lao động. Vậy nhưng, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, hiệu quả đem lại vẫn chưa thực sự như mong đợi, việc kết nối cung - cầu lao động vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của thị trường.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, bộ máy của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm đã hình thành từ lâu; tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhất là việc xây dựng bộ máy thông tin điện tử, và đổi mới công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, hoạt động của các sàn giao dịch việc làm chưa thực sự hiệu quả.

Xác định rõ tiêu chí đánh giá

Để góp phần giải quyết những bất cập, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm. Dự thảo gồm 5 chương, 38 điều quy định chi tiết về một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm với các nội dung như: Điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, nội dung hoạt động và chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Điều kiện cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép và hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm...

Theo các chuyên gia lao động, việc sửa đổi về cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm dịch vụ việc làm phát triển là điều tất yếu. Bởi, thực tế hiện nay dù các Trung tâm được hình hành nhưng chưa có những tiêu chí đánh giá chất lượng. Vì thiếu các tiêu chí đánh giá nên việc đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, công  nghệ thông tin… vẫn chưa thực sự tương xứng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để phát huy được mặt tích cực của các mạng xã hội trong kết nối thông tin thị trường lao động, hạn chế được các tiêu cực, và định hướng tốt hơn cho thông tin thị trường lao động.

Liên quan đến định hướng xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình cũng cho rằng, giao dịch việc làm trực tuyến hiện nay đang ở xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng hệ thống quản trị của Nhà nước để quản lý, chứng nhận chất lượng về những sàn tuyển dụng lao động trực tuyến. Theo đó, có thể dùng quản trị nhà nước hiện đại trên nền tảng môi trường Công nghệ 4.0, kết hợp với dùng quản trị của thị trường thông qua xây dựng thương hiệu, sự minh bạch trong đánh giá. “Để làm được việc này, Cục Việc làm đã đề xuất lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề này. Quan điểm của chúng tôi, Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng trên không gian mạng khi muốn giao dịch việc làm”- ông Bình nhấn mạnh.

Thái Yến