Sự kiện là một phần trong dự án Đối tác Hợp tác Học thuật Toàn cầu NORPART Safe & Sound được tài trợ bởi HK-dir (Cơ quan Hợp tác Quốc tế và Nâng cao Chất lượng trong Đào tạo Đại học Na Uy), giữa Trường Đại học Giáo dục và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Inland, Trường Đại học Bergen, Na Uy.
Dự án bắt đầu từ năm 2019 và đã tổ chức thành công nhiều chương trình trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Na Uy, bao gồm các khoá học chuyên sâu về hỗ trợ sức khoẻ tâm thần do các chuyên gia Na Uy giảng dạy tại Việt Nam, chương trình hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, các khoá học trao đổi giữa các học viên Việt Nam và Na Uy.
Nội dung chính của Hội thảo "Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững” tập trung vào sự giao thoa giữa sự lành mạnh của trẻ em, gia đình và các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, sức khỏe tâm thần, sự phát triển bền vững cho các cá nhân, xã hội và toàn cầu.
Trao đổi những cập nhật mới nhất về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Hội thảo quốc tế “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững” được tổ chức nhằm mục tiêu nâng cao hợp tác và trao đổi giữa các nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực, giữa các chuyên gia nghiên cứu và các nhà thực hành. Bên cạnh đó, cùng nhau tạo ra các kiến thức khoa học liên quan tới sự lành mạnh của gia đình và trẻ em.
Với chủ đề “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững”, Hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề như: Các rối loạn phát triển thần kinh và rối loạn phát triển; Sự phát triển thời thơ ấu, dinh dưỡng và chăm sóc; Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình bên cạnh các thách thức về môi trường và đô thị hóa; Giảng dạy và tăng cường sức khỏe tâm thần qua các sáng chế truyền thông và công nghệ.
Đây sẽ là cơ hội quý báu để các nhà thực hành và nghiên cứu cùng trao đổi những cập nhật mới nhất về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và trên thế giới, cùng tìm ra các giải pháp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em và các gia đình Việt Nam.
Chương trình hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày với 8 báo cáo tại phiên toàn thể và 16 báo cáo tại 8 tiểu ban tập trung vào các chủ đề đa dạng như: Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và các yếu tố liên quan; Vai trò của gia đình đối với sự lành mạnh của trẻ em và vị thành niên; Sức khoẻ hành vi và cảm xúc ở học sinh; Nuôi dưỡng khả năng phục hồi ở vị thành niên; Sự lành mạnh ở trẻ em có rối loạn phát triển thần kinh và người chăm sóc; Các chương trình can thiệp giáo dục hướng tới sức khoẻ và năng lực học tập; Các chương trình can thiệp tâm lý sử dụng công nghệ và phi công nghệ cho trẻ em có rối loạn tâm thần; Thúc đẩy hiểu biết về sức khoẻ tâm thần ở học sinh.
"Chúng tôi hy vọng rằng Hội thảo lần này sẽ là bước đệm quan trọng, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và cải thiện sức khỏe tâm thần, sự phát triển của trẻ em và gia đình, xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau. Hội thảo cũng sẽ tổng kết lại những kết quả ý nghĩa của một dự án để mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa những nhà khoa học Việt Nam và quốc tế", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất sau này
Tại Hội thảo, GS.TS Lars Lien, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy đã có bài trình bày về vấn đề tuổi thơ tiêu cực ở trẻ em và các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất sau này. Theo GS Lars Lien, trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, bao gồm những trải nghiệm như bị lạm dụng, bỏ bê và bất ổn gia đình, có ý nghĩa sâu sắc đối với sức khỏe sinh lý và tâm lý sau này trong cuộc sống.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nghịch cảnh thời thơ ấu có thể phá vỡ sự phát triển thần kinh học, dẫn đến phản ứng căng thẳng gia tăng và thay đổi cấu trúc và chức năng não. Mô hình sinh học tâm lý xã hội nhấn mạnh sự tương tác của các khuynh hướng sinh học, khả năng phục hồi tâm lý và hỗ trợ xã hội trong việc làm trung gian cho những kết quả này.
Ngoài ra, GS Lars Lien cũng chỉ ra các biện pháp can thiệp sớm và môi trường hỗ trợ có thể làm giảm một số tác động lâu dài của nghịch cảnh thời thơ ấu. Việc hiểu được những mối liên hệ này là rất quan trọng để phát triển các chiến lược phòng ngừa hiệu quả và các phương pháp điều trị nhằm nâng cao kết quả sức khỏe tổng thể cho những cá nhân bị ảnh hưởng.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hương, Trường Đại học Y tế Công cộng có phần chia sẻ về chủ đề bạo hành trẻ em ở Việt Nam: dịch tễ học - những thách thức trong nghiên cứu và các giải pháp khả thi.
Tại Việt Nam, nghiên cứu trong lĩnh vực dịch tễ học ngược đãi trẻ em (CM) đã tăng dần trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vẫn chưa có cuộc khảo sát toàn quốc nào về CM. Có rất ít nghiên cứu bao gồm tất cả các dạng CM, khám phá tính nhất quán của các tác động rõ ràng của CM đối với sức khỏe và hạnh phúc hoặc ước tính gánh nặng có thể xảy ra và hậu quả kinh tế. Có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc CM tự báo cáo giữa các nghiên cứu.
Bằng chứng khá nhất quán cho thấy tỷ lệ mắc CM cao nhất là ngược đãi về mặt tình cảm/tâm lý và thể chất, sau đó là bỏ bê và lạm dụng tình dục, cũng như sự xuất hiện đồng thời của nhiều dạng CM khác nhau không phải là hiếm. Mặc dù thiếu dữ liệu về tác động của CM đối với sức khỏe trẻ em và người lớn, nhưng mối liên hệ giữa việc ngược đãi và sức khỏe thể chất, tinh thần kém, hành vi có hại, thành tích học tập kém là đáng kể ở Việt Nam và phù hợp với kết quả nghiên cứu quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hương, nghiên cứu CM trong tương lai cần chú ý áp dụng cẩn thận các mô hình khái niệm, phép đo và phương pháp luận mạnh mẽ trên toàn cầu đã phát triển theo thời gian, thiết lập sự đồng thuận ngày càng tăng cùng với việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số phù hợp để thu thập dữ liệu và làm rõ mẫu, thừa nhận các hạn chế về mẫu và dữ liệu.
Được biết, Hội thảo quốc tế “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững” diễn ra trong vòng 5 ngày.
Từ ngày 2 - 4.12 là các buổi tập huấn tiền Hội thảo, kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành, trong đó có 3 tập huấn chuyên môn được hướng dẫn bởi các chuyên gia người Na Uy.
Cụ thể, Workshop 1 "Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và sức khỏe tâm thần trên thế giới", do GS.TS Lars Lien, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy cùng PGS.TS Ragnhild Dybdahl, Chuyên gia sức khoẻ toàn cầu của Viện Y tế Công cộng Quốc gia của Na Uy, cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi hướng dẫn.
Workshop 2 "Tập huấn chuyên sâu về các kỹ thuật phục hồi sau sang chấn" do TS Unni Marie Heltne, cố vấn cao cấp/chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Trung tâm can thiệp Khủng Hoảng Tâm Lý, Đại học Bergen hướng dẫn.
Workshop 3 "Rối loạn phổ tự kỷ dưới các quan điểm phát triển thần kinh, các bản ghi điện não đồ và các sáng kiến trong can thiệp" do GS.TS.BS Silvana Markovska Simoska (Giảng viên Cấp cao tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật Macedonian, Trưởng phòng Nghiên cứu về Sinh lý học Thần kinh) hướng dẫn.
Sau đó, từ ngày 5 - 6.12 sẽ diễn ra các phiên họp toàn thể và chia ra các tiểu ban. 8 báo cáo sẽ được trình bày tại phiên toàn thể và 16 báo cáo được trình bày tại 8 tiểu ban.