Tìm giải pháp di dân khỏi vùng thiên tai nguy hiểm

ĐẶNG HỮU 24/11/2022 06:48

Từ những khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, ổn định dân cư miền núi, nhất là việc đến ngày 27.10.2022 chưa di dời được 243 hộ nằm trong vùng thiên tai, có nguy cơ cao ra khỏi vùng nguy hiểm; tất cả các xã trên địa bàn huyện đều xây dựng phương án di dời tập trung nhưng không bảo đảm… Thường trực HĐND huyện Tây Giang, Quảng Nam cho rằng, cùng với tăng cường tuyên truyền, vận động, cần tiếp tục lồng ghép từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu khác để san ủi mặt bằng, bố trí dân cư theo hình thức tập trung và đầu tư các hạng mục khác như nước sinh hoạt, đường giao thông, hệ thống mương thoát nước...

243 hộ trong vùng thiên tai chưa được di dời 

Thực hiện Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND tỉnh Quảng Nam về thực hiện cơ chế sắp xếp ổn định dân cư, giai đoạn 2017 - 2020, huyện Tây Giang đã phê duyệt số hộ được thụ hưởng chính sách là 1.448 hộ. Kết quả thực hiện đến tháng 9.2021 là 1.378 hộ. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết trên đã góp phần ổn định cuộc sống, hạn chế rủi ro từ thiên tai, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận đầy đủ các điều kiện phát triển hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.

Để tạo điều kiện cho người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam ổn định chỗ ở, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi, tháng 7.2021, HĐND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ban hành Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

Sau khi Nghị quyết 12 và 31 của HĐND tỉnh hết hiệu lực, trên địa bàn huyện Tây Giang vẫn còn 530 hộ đã được phê duyệt trước ngày 31.12.2020 chưa được hưởng đầy đủ các hạng mục theo Nghị quyết, với tổng kinh phí 4.223,918 triệu đồng. Đến tháng 9.2022, đã hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ. Năm 2022, thực hiện theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, trên cơ sở nhu cầu của các xã, tháng 4.2022, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện 507 hộ, với tổng kinh phí 52.380 triệu đồng. Trong đó, ưu tiên di dời 243 hộ nằm trong vùng thiên tai, có nguy cơ cao ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện được hộ nào. Hiện, Ban Chỉ đạo huyện đang tiếp tục thẩm tra hồ sơ của gần 50 hộ/10 xã. Tổng kinh phí được cấp đến tháng 10.2022 là 5.500,00 triệu đồng, đã giải ngân 1.500 triệu đồng, đạt 27,2% (cho các hộ chuyển tiếp). Chưa giải ngân 4 tỷ, đạt 72,8%.

Đoàn công tác Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam kiểm tra tình trạng sạt lở các khu, điểm dân cư tại huyện Tây Giang Ảnh: Hữu Tiến
Đoàn công tác Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam kiểm tra tình trạng sạt lở các khu, điểm dân cư tại huyện Tây Giang
Ảnh: Hữu Tiến

Vận động các hộ dân chia sẻ đất đai

Như vậy, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng việc triển khai thực hiện Nghị quyết chậm, nhiều địa phương chưa thực hiện dứt điểm các hạng mục chuyển tiếp, một số xã chưa hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2017 - 2020. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan, đặc biệt là khi tuyên truyền cơ chế, chính sách chưa bám vào đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc thực hiện, điều kiện hỗ trợ và những trường hợp không hỗ trợ dẫn đến việc đăng ký tràn lan, nhiều trường hợp không đúng quy định tại Nghị quyết 23 và Quy định 2405 của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện Tây Giang có điều kiện tự nhiên rất khó khăn, diện tích đất ở, đất sản xuất manh mún, phân tán gây khó khăn trong việc bố trí đất cho người dân; hầu hết các địa phương còn lúng túng trong việc bố trí xen ghép đối với các trường hợp bị uy hiếp bởi thiên tai. Các hộ dân phải di dời không có đất, những hộ dân có đất nhưng không phải sắp xếp lại nhà cửa, không được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 23 nên không chịu chia sẻ mà đòi đền bù. Vì vậy, tất cả các xã trên địa bàn đều xây dựng phương án di dời tập trung, nhưng qua thẩm tra của huyện không bảo đảm vì các điểm bố trí mới phải đền bù, vướng đất trồng cao su, kinh phí san ủi lớn, cơ chế theo Nghị quyết 23 hỗ trợ không đủ. Trong khi đó, các nguồn vốn khác lồng ghép thực hiện hạn chế nên chưa thực hiện được.

Mặt khác, một số hộ đã được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 5.2020 nên đã bị sạt lở đất đá và nằm trong diện nguy cơ cao bởi thiên tai nhưng không được hưởng theo Nghị quyết 23 nên khó khăn cho việc di dời sắp xếp dân cư của huyện. Ngân sách tỉnh cấp về chậm, đến tháng 10.2022 mới bổ sung nên việc triển khai mới năm 2022 gặp khó khăn.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Tây Giang, Thường trực HĐND huyện cho rằng, cùng với tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết; tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân chia sẻ đất đai cho các hộ không có đất, không đòi đền bù, cần tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu khác để san ủi mặt bằng, bố trí dân cư theo hình thức tập trung và đầu tư các hạng mục khác như nước sinh hoạt (từ đầu nguồn đến bể tập trung), đường giao thông, hệ thống mương thoát nước....

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo huyện và Tổ giúp việc chuyên môn tích cực cùng với địa phương trong công tác rà soát lập danh sách đối tượng và thẩm tra, phê duyệt kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thanh quyết toán kinh phí bảo đảm theo quy định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tìm giải pháp di dân khỏi vùng thiên tai nguy hiểm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO