Tìm giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững
Ngày 8/7, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chủ trì phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng: GDP tăng 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số (từ 10% trở lên) trong giai đoạn 2026 - 2030.
Khi các động lực tăng trưởng truyền thống như khai thác tài nguyên, đầu tư công, lao động giá rẻ hay xuất khẩu gia công dần suy giảm hiệu quả và tính bền vững, nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là phải tìm ra các động lực mới mang tính đột phá. Đây không chỉ là thách thức về kinh tế, mà còn là bài toán lớn về tầm nhìn, thể chế và năng lực hành động; đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta tăng trưởng 7,52%, đây là mức cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, với xu thế đang diễn ra trên thế giới, để đạt được mục tiêu 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới thì vẫn còn nhiều thách thức. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có một tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới. Đồng thời phải hành động quyết liệt, thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đoàn kết đồng lòng mạnh mẽ nhất của toàn dân tộc và phải có sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Tại Diễn đàn, các đại biểu trao đổi, hiến kế các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đặc biệt là gắn với việc thực thi nhanh, hiệu quả “Bộ tứ trụ cột” gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Nhiều ý kiến cho rằng tháo gỡ nhanh, tháo gỡ triệt để các rào cản có ý nghĩa tiên quyết trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất cần thiết kế, kiến tạo các cơ chế, chính sách mới có tính đột phá cao nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành chiến lược mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.