Tìm giá trị lõi cho "Thành phố sáng tạo Hà Nội"

- Thứ Tư, 07/07/2021, 06:39 - Chia sẻ
Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019. Vấn đề đang được đặt ra là xây dựng thương hiệu cho Hà Nội để công chúng, các bên liên quan và bạn bè quốc tế công nhận nước ta có một thành phố sáng tạo đúng nghĩa.
Cần xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội
Ảnh: ITN

Nhiều người chưa biết...

Tại Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo cho rằng: Đã 2 năm nhưng danh hiệu “Thành phố sáng tạo” mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm... Tiến hành khảo sát trên mạng xã hội Facebook, với 471 người tham gia, có đến 67,9% chưa biết Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết Thành phố sáng tạo là gì.

Trong 7 lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo, gồm: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, Thiết kế, Điện ảnh, Ẩm thực, Văn học, Nghệ thuật truyền thông và Âm nhạc, Hà Nội chọn Thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Theo ông Vinh, nếu lựa chọn giá trị dẫn dắt hay ý tưởng trung tâm của thành phố sáng tạo Hà Nội là Thiết kế thì phải làm cho giá trị đó in đậm trong tâm trí, nhận thức của các đối tượng liên quan, thông qua việc dẫn dắt họ trải nghiệm những hoạt động mang tính thiết kế sáng tạo của Hà Nội.

Theo đó, ông Vinh cho rằng, đối tượng chính là những người đang sinh sống tại Hà Nội, bạn hàng, đối tác, khách du lịch trong và ngoài nước, những người mà chúng ta muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, mua bán, nhập khẩu các sản phẩm sáng tạo sản xuất từ nơi đây, hấp dẫn họ đến học tập và tham gia vào hoạt động kinh tế sáng tạo, hoặc ít nhất cũng chọn Hà Nội để đến du lịch, tham quan, tìm hiểu chất văn hóa sáng tạo của con người vùng đất này.

Để trong tiềm thức của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Hà Nội được nhìn nhận là thành phố sáng tạo, trở nên khác biệt, có vị thế cạnh tranh, cần xây dựng thương hiệu cho Hà Nội. Chiến lược thương hiệu hoàn toàn không đơn thuần mang ý nghĩa truyền thông, quảng bá, mà nó phải trở thành phương châm, triết lý phát triển của thành phố...

Có chiến lược xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu là đồng thời phát triển hai mảng thành tố cấu thành nên thương hiệu, gồm các giá trị hữu hình - nhận diện thương hiệu (brand identity) và các giá trị vô hình - hình ảnh thương hiệu (brand image).

Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, đối với một thương hiệu thành phố sáng tạo, brand identity không chỉ là một logo, mà nó được biểu hiện ở những công trình kiến trúc và văn hóa, các không gian công cộng, ở những hoạt động sáng tạo, ở những sản phẩm ta có thể dễ dàng trải nghiệm, dễ dàng hưởng thụ, dễ dàng tham gia xây dựng và phát triển. Nó cũng hiện diện trong các di sản mang tính văn hóa, thiết kế sáng tạo, bề dày lịch sử của thành phố.

Qua khảo sát trên mạng xã hội, ông Vinh đã nhận được những đề xuất khá thú vị cho Hà Nội, như sự hiện diện của các không gian sáng tạo - creative hub (84,5%), bảo tồn khu phố cổ (70,9%), thành phố ít ô nhiễm môi trường (70,1%), nhiều công trình văn hóa công cộng (67,7%), sự hiện diện của nghệ thuật đường phố (60,5%), thành phố được thiết kế nghệ thuật (56,3%)…

Quả thực, nếu nhìn thấy ở Hà Nội những điều này, lập tức chúng ta sẽ có cảm giác đây là thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế, với các không gian sáng tạo - nhận diện quan trọng của một thành phố sáng tạo, hiện tại Thủ đô có khoảng 120 không gian quy mô nhỏ, tính chất tự phát, tản mát và thiếu liên kết, khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt như Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc)...

Bên cạnh đó, brand image không những giúp định vị Hà Nội khác với các thành phố khác ở Việt Nam, mà còn phải khác biệt với các thành phố sáng tạo khác trên thế giới. Cùng là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng Hà Nội phải có chất riêng, để mỗi người có cảm nhận được đặc trưng giữa rất nhiều thành phố sáng tạo khác. Những giá trị vô hình này gồm: Tư tưởng - triết lý riêng với tư cách là một thành phố sáng tạo; các thuộc tính thương hiệu, như giá trị cốt lõi, những lợi ích thương hiệu mang lại; giá trị biểu hiện trong các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động sáng tạo…

Ngoài ra, trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo. Cùng với các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều hoạt động sáng tạo, gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm; các buổi đọc sách, chiếu phim, nghiên cứu, tọa đàm, chia sẻ ý tưởng thiết kế sáng tạo. Số lượng hoạt động này ở Hà Nội không ít, song cũng chưa nhiều, và chưa đủ lan tỏa trong đời sống của người dân, càng khó thu hút người ngoại tỉnh và khách quốc tế. Mặt khác, các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hóa ở một thành phố sáng tạo.

Hà Nội chọn Thiết kế là định hướng phát triển, thì Nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, khách đến đây phải được trải nghiệm cái chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay thủ công mỹ nghệ...

“Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó, và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó” - ông Lê Quốc Vinh nhận định.

Ngọc Phương