Tìm đến một miền thơ
Inrasara
Khi người kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại xô bồ, nhiều người muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẻm núi trong lành. Ở đó có thơ dân tộc thiểu số.
Ngay ở đầu thế kỷ mới, Thơ của các nhà thơ Dân tộc Thiểu số (2001) được Lò Ngân Sủn tuyển và bình, đã ra mắt công chúng. Hai năm sau, một ban biên soạn gồm năm người do nhà thơ Lò Ngân Sủn chủ biên cho xuất bản cuốn Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam – Đời và văn (2003) với cách làm khác. Dù mang tên “nhà văn”, nhưng phần nhiều trong số 35 tác giả được tuyển đều có làm thơ. Điều đặc biệt ở ấn phẩm này là bên cạnh in ảnh chân dung tác giả là tiểu sử rất chi tiết cùng bài giới thiệu của nhà phê bình về chân dung mỗi nhà văn. Sau rốt là trích văn (thơ, phê bình, tiểu luận). Là sách công cụ đúng nghĩa, rất tiện ích cho tham khảo.
Cuối cùng, mới nhất là Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI, ban tuyển chọn gồm Mai Liễu, Y Phương, Inrasara, Trịnh Hà (2011). Khác với hai tập trước đó, ở đây có đến 169 tác giả góp mặt, với 23 dân tộc khác nhau. Cái khác biệt thấy rõ hơn cả, đây là tuyển bao gồm nhiều tác giả nhất, trải dài nhiều thế hệ nhất – từ thời kháng chiến cho đến thế hệ hậu đổi mới. Chính vì thế nó là ấn phẩm mang tính phong trào nhất: không có nhà nào quá bốn bài.
![]() | |
Cao nguyên | Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn |
1. Từ thể thơ cổ điển như tự do sơ kỳ, năm chữ, tám chữ. Mai Liễu:
Đêm buốt lạnh cả màu trăng tê dại
Em mảnh mai xiêu vẹo bậc núi đồi
Tiếng từ quy kéo đêm rừng ngắn lại
Nghe suối ngàn cây cỏ ấm dần lên.
Hay lục bát. Lương Định:
Tha hương giữa chốn quê nhà
Nửa đời nhìn lại, ngỡ là chiêm bao
Láng giềng đâu bạn tâm giao?
Thế cô lập nghiệp lao đao nẻo đời…
Cho đến thơ tự do nhịp chỏi, không ít cây bút người dân tộc thiểu số sử dụng khá nhuần nhuyễn. Có tác giả còn thử nghiệm cả thơ tân hình thức. Các nhà thơ dân tộc thiểu số đi từ mỹ học sáng tác dân gian (phần lớn các sáng tác của Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn), sang cổ điển (Lương Định), đến hiện đại (Dư Thị Hoàn, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, và phần nào đó - Y Phương), và cả hậu hiện đại.
Rồi thủ pháp, như thủ pháp so sánh chẳng hạn. Nếu Lò Ngân Sủn có lối so sánh thẳng, cụ thể và gần, như anh đã vận dụng ráo riết ở bài thơ Người đẹp nổi tiếng, thì cây bút trẻ Chăm Kiều Maily lạ lẫm hơn qua lối so sánh gợi nhiều liên tưởng: Anh là vệt sáng buồn/ Bước vào đời em làm giông gió (2013). Ví người yêu như “vệt sáng” là điều lạ. Càng lạ hơn, khi đó là “vệt sáng buồn”. Khác nữa, ở đây thi sĩ không sử dụng “như”, mà là “là”: Anh là vệt sáng buồn. Từ “như” đến “là” không chỉ thuần thay đổi câu chữ, mà là sự chuyển đổi cách nghĩ, một cách nghĩ đầy tính hiện đại.
2. Thế nhưng cho dù mấy thử nghiệm hình thức có thành công tới đâu, nếu thơ không nói lên được điều gì đó – nhất là thơ của cộng đồng tộc người còn quá ít ỏi, thì coi như không gì cả. Thơ vẫn là thứ trò chơi vô tăm tích. Đã có không ít hiện tượng như thế xảy ra trong cuộc chơi chữ nghĩa hôm nay. May, các nhà thơ người dân tộc thiểu số không giẫm phải lối mòn ấy. Điều đầu tiên dễ nhận ra, đó là tên của dân tộc và vùng đất mình sinh ra hay cư trú luôn được gọi lên. Như đứa con trai người Pa Dí - dân tộc chỉ có “hai ngàn người - như cây hai ngàn lá” luôn hãnh diện về tính cách ngang tàng, “tới bến” của dân tộc mình. Từ “trai Mông chăm làm/ khi say/ đuôi ngựa có người theo nắm” của Hoàng Chiến Thắng, đến đứa con Khmer Thạch Đờ Ni ở miền Tây Nam bộ dẫu lang bạt kỳ hồ tới đâu vẫn nhớ Đôn-ta quê hương mà về. Hay từ cây bút nữ trẻ Êđê vùng đất Tây Nguyên vừa chập chững bước vào thế giới chữ nghĩa cũng qua hình ảnh và chất liệu buôn play. Như H’triem K’nul:
Già đang khan
Già say lời kể
Người nghe say lời già
Già kể từ ngày trước
Ngày sau chưa hết lời
Xuống đồng bào ít người đang sinh sống nơi khúc ruột miền Trung. Nga Rivê của dân tộc H’rê dẫn người đọc đến với đặc sản quê hương:
Lũ con iêng
Ngực non như trái hoa chuối
Ra con suối đội nước
Chọn lấy nước giữa dòng
Nước chảy từ lòng đá
Ngọt như trái Kapong - Kapang
Mát như gió núi Azin - Azàn…
Sang tận dân tộc Châu Ro ở Đông Nam Bộ. Prékimalamak:
Châu Ro - Ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa vời sóng vời lưng cát nhỏ?
Đâu đâu ta cũng nhận ra giọng kiêu hãnh riêng và chung, lộ bày hay thầm kín. Rất đáng trân trọng. Rồi Thái, Mông, Nùng, Kơ Ho, Mường, Hoa, Cao Lan, Chăm, Hà Nhì, Dao, Pù Nả, Vân Kiều, Xá Phó, Tày…
Do đó, mặc dù thơ không phải là thể loại kể lể chuyện phong tục tập quán, tái hiện môi trường sống, đời sống hiện thực của người dân tộc anh em, nhưng có thể nói hầu hết các tên lễ hội cùng đặc ngữ với những đặc trưng văn hóa vùng miền đều được gọi tên qua câu thơ của các cây bút từ ngôn ngữ mẹ đẻ bước đầu sử dụng tiếng Việt làm thơ. Những thổ cẩm, thắng cố, vũ nữ Apsara, múa xòe, tung còn, Katê, rượu cần, amí, amư, tiếng cồng chiêng, lời kể khan… có mặt dày đặc trong suốt thơ của mỗi đứa con của plây, buôn, bản, sóc, phum… Không như một cách tăng chất dân tộc thiểu số trong sáng tác, mà xuất phát từ thẳm sâu tình cảm của người viết với những gì gắn bó nhất và thân thuộc nhất của mình. Không có không được. Bởi chỉ như vậy thôi, sau bao nhiêu lắng đọng và chắt lọc, tiếng thơ ấy mới đi thẳng đến được trái tim độc giả, từ đó rung động được lòng người.
3. Khi người kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại xô bồ, nhiều người muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẻm núi trong lành. Ở đó có thơ dân tộc thiểu số. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng, lắm lúc không ít người thèm lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tại nơi đây, có thơ của người dân tộc thiểu số.
Thơ dân tộc thiểu số đã đi, nhưng nó vẫn cứ ngủ. Cuộc sống hôm nay đầy vấn đề lớn và nóng đang xảy ra xung quanh ta, hàng ngày, hỏi có cây bút nào động cập chúng chưa? Một động cập cho thật sâu, và rốt ráo? Rừng Tây Nguyên bị tàn phá đến thành sa mạc, nạn chảy máu cồng chiêng, chảy máu tượng Chàm, điệu múa lai căng, lễ hội đâm trâu giả tạo, những đứa con quê tràn vào phố mang cơ man ngôn từ xa lạ, quần áo model xa lạ, lối hành xử xa lạ về… Tệ nạn xã hội lâu nay tưởng chỉ xảy ra ở phố thị, nay cũng ngập tràn buôn plây. Ai nói lên điều đó? – Nhà thơ. Nhưng nhà thơ đại biểu cho tâm hồn dân tộc mình đang ở đâu? – Không đâu cả! Thi thoảng lắm chúng ta bắt gặp vài cái nhìn phản biện. Ở Tây Nguyên với Hoàng Thanh Hương:
bây giờ mùa khô
những đứa con của làng rủ nhau ra phố
làng nắng chang chang, làng mù bụi đỏ
cuối ngày bên mé cửa
bỏng ngực mẹ chờ, bỏng ngực anh...
Hay nơi biên giới phía Bắc qua Hoàng Chiến Thắng:
Đứa trẻ bưng tuổi thơ
chạy ngược
Tiếng rao vỡ vào phố đêm
… Người đàn bà cõng mưa
Che con
Tiếng đàn rong va vào ngõ phố
Và ở miền Trung bởi Jalau Anưk:
Ai như em - dán dính mình bằng quần jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm - avian flu?
ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?
Chỉ thế thôi, và không gì khác. Trong khi đời sống hiện đại đang đòi hỏi nhà thơ ngày càng nhiều hơn, cấp thiết hơn. Nói như Đồng Chuông Tử: Tôi đặt tôi trần trụi trước thơ mình… / Ta xóc hành trang đựng đầy gió/ lên/ đôi vai gầy gã trai Chăm mơ mộng/ cô độc đi… dẫu cuộc đi đầy bất trắc ở tương lai. Nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Bởi dù gì đi nữa, hãy vứt bỏ tất cả ở sau lưng, “cởi lại bồng mây” (chữ của Hoàng Chiến Thắng) - lên đường, không chút ngại ngần. Nhập vào dòng chảy của thời đại mình đang sống.
Đấy chính là “suy tư toàn cầu, hành động địa phương” trúng nhịp tinh thần thời đại. Tinh thần đó đòi hỏi nhà thơ nhập cuộc, nhập cuộc toàn phần để chúng ta hiện đại mà vẫn “đậm đà bản sắc”. Để đâu đó, giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên:
Tiếng hát em bay cao vút lên tận không trung làm bừng tỉnh ánh bình minh
tiếng hát em len vào song cửa sổ đánh thức giấc ngủ
… Hỡi nghệ sĩ ban mai tôi xin cám ơn em
cùng em và các chú chim non
tôi sẽ hát khi bình minh thức giấc
về cuộc đời đau thương
và những phận đời bất hạnh.
(Tuệ Nguyên, Những giấc mơ đa chiều)
Hiểu dân tộc và yêu dân tộc - hiểu thì càng yêu hơn - là đẹp. Nói lên cái hay, cái đẹp của dân tộc qua ngôn ngữ thi ca, là đẹp. Và sẽ đẹp hơn, nếu thơ kia được diễn đạt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là điều hơi đáng tiếc đối với một bộ phận không nhỏ nhà thơ dân tộc thiểu số hôm nay. Dẫu sao, với nỗ lực hội nhập, họ đã phần nào - qua tiếng Việt - mang cái đẹp của dân tộc ra thế giới bên ngoài. Từ cái đẹp mỹ học dân gian, qua cổ điển đến hiện đại, và cả hậu hiện đại nữa.
Thế thôi, cũng đủ trân trọng rồi.