Nhiều người mất tích liên quan vụ sạt lở tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3

Tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cứu nạn bằng mọi nguồn lực

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:24 - Chia sẻ
Làm việc với Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế chiều 13.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cứu nạn những người đang mất tích liên quan đến vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị 2 máy bay trực thăng

Chiều 13.10, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đốc thúc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát hiện trường.
Ảnh: Lê Thọ

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia sẻ sâu sắc đối với mất mát, đau buồn, lo âu của những gia đình có người đang mất tích liên quan đến vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3 và chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cứu nạn những người đang mất tích.

Theo thống kê có 30 người gồm công nhân thi công thủy điện cùng đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 vào tiếp cận hiện trường vào chiều tối ngày 12.10 đang bị mất tích. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải huy động tối đa phương tiện máy móc của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương đến hiện trường hỗ trợ mở đường cho lực lượng cứu hộ sớm triển khai tiếp cận những vị trí có nạn nhân gặp nạn. Trên tuyến đường 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 hiện có 10 điểm sạt lở núi, lực lượng chức năng đã khắc phục được 7 điểm, còn cách khoảng 3km là đến vị trí sạt lở tại Trạm kiểm lâm số 7, thuộc Tiểu khu 67 - nơi cán bộ đoàn công tác đi vào hiện trường chiều 12.10 đang mất tích; cách 10km đến vị trí những công nhân nhà máy thủy điện mất tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên Huế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và sẵn sàng cứu chữa cho người bị thương. Bộ Quốc phòng cũng đã chuẩn bị 2 máy bay trực thăng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài hiện trường. Hiện nay, cơn bão số 7 đang tiến vào đất liền có thể gây mưa lớn nên địa phương cần hết sức cảnh giác và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ.

Cũng trong chiều 13.10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đã bắt được liên lạc với Thủy điện Rào Trăng 4. Hiện nay công nhân nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày. 40 công nhân từ nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã di chuyển bằng đường rừng về nhà máy Rào Trăng 4, đang tá túc an toàn tại đây. Đường đi từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết.

Thừa Thiên Huế tạm hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh

Để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra thông báo tạm hoãn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong 3 ngày từ ngày 15 - 17.10.

Trong ngày 13.10, các hoạt động cứu trợ hướng về người dân vùng xung yếu tiếp tục được triển khai tại huyện Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc... Các học sinh, sinh viên vẫn nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ những ngày qua đã khiến 6 người thiệt mạng, 3 người mất tích và 7 người bị thương; 85 nghìn nhà bị ngập lụt từ 1 - 2,5m, một số nơi ngập cao hơn. Hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hơn 332ha hoa màu, 150ha sắn, 1ha cây ăn quả, 10ha đất trồng hoa và 10 nghìn chậu hoa các loại bị hư hại. Hiện tại các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn.

Diễn biến mưa lũ còn phức tạp và kéo dài, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo; 2 tấn lương khô, 10.000 thùng mỳ ăn liền; 20 tấn hóa chất Benkocid và một số vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão số 7 lúc 13 giờ ngày 14.10 ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và gây mưa lớn sau bão. Các sông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xuất hiện một đợt lũ.

Trước diễn biến này, Thủ tướng có Công điện số 1393/CĐ-TTg, yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, áp thấp nhiệt đới để kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; đồng thời chuẩn bị phương án khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng để phục vụ sinh hoạt, khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 22h ngày 12.10, mưa lũ tại miền Trung đã làm 28 người chết và 12 người mất tích; 415 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 131 nghìn nhà bị ngập; 137 điểm Quốc lộ, 11,5km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 244 điểm trường bị ngập. Về nông nghiệp có 592ha lúa, 4.179ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 293 con gia súc, 155.997 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

T.Phong tổng hợp