Tìm cách thâm nhập thị trường châu Phi

09/07/2011 07:34

Tại Hội thảo khoa học quốc gia Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 -2020 mới được tổ chức tại Hà Nội, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, châu Phi – với dân số đông (khoảng 1 tỷ người), tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định, được đánh giá là thị trường hấp dẫn.

Xác định địa bàn, mặt hàng trọng điểm

Theo thông tin từ Bộ Công thương, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Dự kiến xuất khẩu sang châu Phi có thể đạt 5 tỷ USD năm 2015 và khoảng 15 tỷ USD năm 2020.

Để nâng cao tính hiệu quả của hoạt động xuất khẩu vào thị trường này, Việt Nam cần xác định được địa bàn trọng điểm, tạo bước đột phá xuất khẩu và làm bàn đạp để xâm nhập vào thị trường các quốc gia láng giềng trong khu vực. Địa bàn trọng điểm được xác định là những quốc gia có triển vọng phát triển tốt, có nhu cầu cao với mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam; kim ngạch buôn bán hai chiều tương đối và có cơ quan đại diện của Việt Nam để thuận tiện cho hoạt động giao thương và xúc tiến thương mại. Cụ thể: khu vực Bắc Phi là Ai Cập, Algieri và Maroc; khu vực Đông Phi là Tanzania và Kenya; Nam Phi là Nam Phi và Angola và Tây Phi là Nigeria, Côte d’Ivoire và Senegal.

Về mặt hàng, Việt Nam tiếp tục khai thác mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống như: gạo, hàng dệt may, cà phê, giày dép, hạt tiêu… đồng thời, chú trọng xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới có khả năng tăng trưởng cao như hàng hải sản, sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, đồ nhựa, xe máy và linh kiện, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, sữa và sản phẩm sữa… Bên cạnh đó, cần mở rộng khai thác mặt hàng châu Phi có nhu cầu lớn: đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ hộp, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, thuốc chống sốt rét, màn chống muỗi...

Doanh nghiệp Việt đi đúng đường

Muốn chiếm lĩnh thị trường châu Phi, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công thương Trần Quang Huy cho rằng, doanh nghiệp cần tích cực và kiên trì hơn trong việc tìm kiếm thông tin và thực hiện kinh doanh tại thị trường này. Nên nghiên cứu và xúc tiến đặt đại diện tại những thị trường trọng điểm - thị trường với vai trò là cửa ngõ của châu Phi; xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường châu Phi thích hợp trên cơ sở lợi thế so sánh của doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán, thương vụ, cơ quan có liên quan của Bộ Công thương và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tập trung thúc đẩy những cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với bạn hàng châu  Phi về nhu cầu, thói quen, tập quán tiêu dùng của thị trường mỗi nước (cần liên kết tổ chức đoàn quy mô nhỏ, từ 5 - 6 doanh nghiệp). Từng doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn chiến lược kinh doanh, phương thức kinh doanh, mặt hàng kinh doanh một cách phù hợp với từng thị trường. Đẩy mạnh quảng bá và tiếp cận thị trường, thông qua việc tham gia tích cực và hiệu quả vào các cuộc hội chợ, triển lãm quốc tế... để tìm kiếm và mở rộng khách hàng, thị phần kinh doanh. Thêm nữa, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Phi khá xa và khó khăn trong vận tải, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và lựa chọn việc mở hoặc thuê kho ngoại quan và các trung tâm thương mại, cửa hàng tại châu Phi.

Hiện nay, một trong những khó khăn đối với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Phi là ở khâu thanh toán. Trong điều kiện khả năng tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, lãi suất tín dụng cao, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể dành cho bên mua hàng (nhà nhập khẩu châu Phi) áp dụng thanh toán bằng hình thức trả chậm và càng không thể thực hiện thanh toán bằng đồng tiền bản tệ của họ. Do đó, Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu với châu Phi đồng thời, mở rộng và phát triển dịch vụ bảo lãnh thanh toán và bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp kinh doanh với châu Phi. Khuyến khích doanh nghiệp triển khai xây dựng kho ngoại quan hoặc trung tâm thương mại Việt Nam tại một số thị trường châu Phi trọng điểm, giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập tốt hơn vào thị trường các nước châu Phi. Tăng cường công tác thông tin, xúc tiến thương mại, đặc biệt là nâng cao vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam tại châu Phi. Muốn vậy, phải tiếp tục mở rộng việc thành lập đại sứ quán, thương vụ, trước hết là những nước được coi là thị trường trọng điểm của Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tìm cách thâm nhập thị trường châu Phi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO