Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội bao gồm: người thiểu năng về trí tuệ; người phạm tội bị tòa án phán quyết không được bầu cử; người đã bị phạt tù, nhưng hết hạn tù chưa quá 10 năm; người có hành vi tham nhũng hoặc đã bị phạt đến 1 triệu won do vi phạm pháp luật về bầu cử.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội được quyền đăng ký ứng cử ở địa phương khác với nơi cư trú, nhưng chỉ được đăng ký ở 1 đơn vị bầu cử (đại biểu Quốc hội là của cả nước). Mỗi đơn vị bầu cử ở Hàn Quốc thường có 5 đến 15 ứng cử viên trong danh sách. Nhưng vì có quy định việc đăng ký danh sách chỉ trong 2 ngày nên cũng có trường hợp chỉ có 2 ứng cử viên ở danh sách của 1 đơn vị bầu cử.
![]() Poster tranh cử của các ứng cử viên trong kỳ bầu cử lập pháp tháng 4.2012 |
Hàn Quốc quy định đại biểu Quốc hội không đồng thời là đại biểu Hội đồng nhân dân; Chủ tịch tỉnh không được ứng cử đại biểu Quốc hội.
Người dân Hàn Quốc nhìn nhận đại biểu Quốc hội là nhà chính trị, là chính khách chuyên nghiệp, họ bầu chọn đại biểu từ những người có khả năng đóng góp được nhiều cho đất nước, phục vụ tốt cho nhân dân. Ngoài những yêu cầu trong hồ sơ, cử tri thường xem xét theo các tiêu chuẩn khác như: Bản thân và gia đình ứng cử viên thế nào? Được đào tạo ở đâu? Thuộc đảng nào? Tài chính, tài sản ra sao, có minh bạch hay không?
Hàn Quốc có cơ chế hình thành ứng cử viên dự bị. Trước mỗi cuộc bầu cử, bao giờ cũng có những đại biểu đương nhiệm tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp sau và có những người mới tham gia ứng cử. Những người đã là đại biểu Quốc hội, thông qua hoạt động Nghị trường nên họ đã nổi tiếng, được xã hội biết đến. Những người mới đăng ký ứng cử chưa nổi tiếng như các đại biểu Quốc hội. Với mục đích tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người khi vào vòng bầu cử chính thức, Hàn Quốc quy định những người mới phải đăng ký làm ứng cử viên dự bị. Đây là điều kiện bắt buộc, nếu không thực hiện sẽ bị phạt. Thời gian đăng ký là 120 ngày trước ngày bầu cử. Họ được tiến hành vận động bầu cử, tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình và quảng bá hình ảnh, ganh đua ngay trong đảng với hy vọng được chọn làm ứng cử viên chính thức.
Việc bầu chọn ứng cử viên của các Đảng hiện duy trì 2 cách cơ bản sau: Bầu cử trong nội bộ Đảng để chọn ứng cử viên; Chủ tịch Đảng chỉ định người ra ứng cử. Phương pháp này một phần do Chủ tịch đảng có uy quyền lớn trong đảng, một phần là do người được Chủ tịch chỉ định đã có khả năng trúng cử cao. Ngoài ra còn một cách nữa, tuy không phổ biến, đó là đảng đề cử người ngoài đảng nhưng tích cực ủng hộ đảng của họ. Với những ứng cử viên độc lập, họ phải được dân chúng ở nơi ứng cử đề cử với điều kiện nhận được 300 đến 500 chữ ký ủng hộ. Vì Hàn Quốc đã đăng ký và lưu giữ mẫu chữ ký của công dân ở cơ quan quản lý bầu cử nên việc kiểm tra, so sánh chữ ký không khó khăn. Những ứng cử viên có chức vụ cao, có người giúp việc thì được ủy quyền cho Thư ký, người giúp việc đi thu thập chữ ký thay mình.
Khi được đảng giới thiệu là ứng cử viên chính thức đại biểu Quốc hội thì ứng cử viên đó phải đặt cọc ở Ủy ban Bầu cử mức tiền là 15 triệu won (mức đặt cọc của ứng cử viên các chức danh khác như sau: Tổng thống: 500 triệu won; Chủ tịch tỉnh: 50 triệu won; Chủ tịch quận, huyện: 10 triệu won; đại biểu HĐND cấp quận, huyện: 3 triệu won; đại biểu HĐND cấp xã: 2 triệu won).
Khi bầu cử, nếu ứng cử viên đạt kết quả từ 15% số phiếu trở lên sẽ được hoàn lại 100% tiền đặt cọc; nếu đạt 10% đến dưới 15% sẽ được hoàn lại 50%, nếu đạt thấp hơn 10% sẽ không được hoàn lại. Quy định này nhằm hạn chế việc ứng cử tràn lan, không thật sự nghiêm túc với công việc bầu cử.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải nộp hồ sơ gồm: Giấy đăng ký ứng cử; Giấy giới thiệu của đảng; Giấy chứng nhận quyền được ứng cử; Giấy chứng nhận (kê khai) tài sản của cả gia đình; Báo cáo đã nộp đủ thuế; Hồ sơ tư pháp (bằng chứng không phạm tội); Các giấy chứng nhận bằng cấp, chứng chỉ; Giấy chứng nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (Phụ nữ không phải nộp giấy chứng nhận này).