Tiêu chí phân loại trưng cầu ý dân

Minh Thy 29/05/2015 08:41

Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại trưng cầu ý dân. Nếu căn cứ vào phạm vi địa lý nơi tiến hành trưng cầu, thì trưng cầu ý dân được phân thành trưng cầu ý dân toàn quốc (hoặc liên bang) và trưng cầu ý dân địa phương.

Căn cứ vào đối tượng trưng cầu ý dân, người ta phân biệt trưng cầu ý dân về hiến pháp (trưng cầu ý dân lập hiến), trưng cầu ý dân về luật (trưng cầu ý dân lập pháp), trưng cầu ý dân về điều ước quốc tế, trưng cầu ý dân về văn bản dưới luật và trưng cầu ý dân về chuyển giao lãnh thổ. Trưng cầu ý dân về chuyển giao lãnh thổ xuất phát từ nguyên tắc “quyền tự quyết của các dân tộc”, tương tự như những cuộc biểu quyết toàn dân được tổ chức dưới thời phong kiến, ví dụ về việc sáp nhập vùng Savoie và Alpes-Maritimes vào nước Pháp. Cần chú ý phân biệt giữa đối tượng trưng cầu ý dân với lĩnh vực trưng cầu ý dân. Một cuộc trưng cầu ý dân về lĩnh vực tài chính (chẳng hạn về thuế chẳng hạn) có thể là trưng cầu ý dân lập hiến hoặc trưng cầu ý dân lập pháp, tùy thuộc vào việc các quy định về tài chính được đưa ra trưng cầu ý dân là các quy định chứa trong hiến pháp hay trong văn bản luật.

Người Pháp nói không trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp châu Âu năm 2005
Người Pháp nói không trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp châu Âu năm 2005
Nếu căn cứ vào tính bắt buộc hay không bắt buộc của việc tổ chức trưng cầu ý dân, thì trưng cầu ý dân được chia thành trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân tùy nghi. Sở dĩ gọi là trưng cầu ý dân bắt buộc vì phải tiến hành theo quy định của hiến pháp và các đạo luật. Phạm vi của trưng cầu ý dân bắt buộc thường hạn chế đối với những quyết định chính trị đặc biệt quan trọng liên quan đến sửa đổi hiến pháp, sự bất đồng giữa tổng thống và nghị viện, việc xem xét gia nhập các điều ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, những vấn đề về chủ quyền quốc gia hoặc quyền tự quyết (ví dụ như ở Australia, Đan Mạch, Estonia, Macedonia, Iceland, Peru, Lithuania, Thụy Điển và Venezuela). Kết quả của trưng cầu ý dân bắt buộc có hiệu lực ràng buộc.

Trưng cầu ý dân tùy nghi chỉ được tổ chức khi có yêu cầu bằng văn bản tập hợp đủ số lượng chữ ký quy định. Đó có thể là yêu cầu của một bộ phận nhân dân, của một hoặc nhiều cơ quan quyền lực nhà nước, của một hoặc nhiều chính quyền địa phương. Văn bản được đưa ra bỏ phiếu toàn dân chỉ có hiệu lực nếu văn bản đó được sự tán thành của đa số các cử tri có đăng ký. Việc trưng cầu ý dân sẽ không được tổ chức nếu như khi hết thời hạn trưng cầu ý dân mà không có yêu cầu nào được đưa ra, hoặc có yêu cầu nhưng không tập hợp đủ chữ ký. Trong trường hợp này, văn bản cần trưng cầu ý dân sẽ tự động có hiệu lực khi hết thời hạn trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân tùy nghi được tổ chức thường xuyên ở châu Âu về vấn đề gia nhập liên minh châu Âu. Một số nước như Thụy Sĩ áp dụng đồng thời cả hai loại trưng cầu ý dân là trưng cầu ý dân không bắt buộc và trưng cầu ý dân bắt buộc.

Căn cứ vào tính ràng buộc hay không ràng buộc của kết quả trưng cầu ý dân, người ta phân biệt trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảotrưng cầu ý dân mang tính ràng buộc, cho dù trên thực tế sự phân biệt này không thực sự rõ ràng. Bởi lẽ, nếu sau khi trưng cầu ý dân tư vấn mà đại đa số người tham gia đều có ý kiến như nhau thì rất khó để không thực hiện theo ý kiến đó. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghĩa vụ mang tính chất đạo đức chính trị, chứ không phải là một nghĩa vụ pháp lý. Vì được tiến hành trên quy mô lớn kèm theo cả một chiến dịch tuyên truyền cho nên trưng cầu ý dân tư vấn hoàn toàn khác với thăm dò ý kiến.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiêu chí phân loại trưng cầu ý dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO