Kết quả cải cách hành chính tỉnh Bắc Giang

Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:22 - Chia sẻ
UBND tỉnh Bắc Giang bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các ngành phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ CCHC; lấy kết quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu. Hàng năm, chỉ đạo việc tổ chức đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã bảo đảm khách quan, chính xác…

Đó là một nội dung được HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh trong Nghị quyết Về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa XVIII.

HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc chấp hành pháp luật về cải cách hành chính tại UBND tỉnh

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Theo đánh giá của HĐND tỉnh: Công tác CCHC đã được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Công tác chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về CCHC được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp nhiều thông tin về CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, nâng cao tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước. Do được chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. 

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng HĐND tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm, chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh cũng có xu hướng giảm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện CCHC tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cải cách hành chính chưa thường xuyên; phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về cải cách hành chính và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc (nhất là vướng mắc trong thực hiện phần mềm dùng chung của tỉnh) còn chưa kịp thời. Việc nâng cao đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số đơn vị còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và hồ sơ nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích ở hầu hết các đơn vị đạt thấp…

Những tồn tại, hạn chế trên, nguyên nhân chủ quan được xác định do người đứng đầu một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm, thiếu sâu sát, quyết liệt và đầu tư về thời gian, nguồn lực thích đáng để tổ chức thực hiện CCHC và điều hành giải quyết TTHC, chưa tập trung giải quyết, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC. Đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp, kỹ năng làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa tốt, còn biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết TTHC...

Đánh giá, xếp hạng hàng năm chỉ số CCHC

Từ thực tế trên, để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về CCHC trên địa bàn, HĐND tỉnh Bắc Giang kiến nghị UBND tỉnh bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các ngành phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ CCHC; lấy kết quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Hàng năm, chỉ đạo việc tổ chức đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã bảo đảm khách quan, chính xác.

HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh UBND quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các TTHC để tự sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC (tập trung vào một số lĩnh vực như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, tư pháp - hộ tịch, lao động thương binh xã hội....). Chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị kịp thời phối hợp, có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC (nhất là sớm khắc phục triệt để khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung trong giải quyết TTHC), hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến giải quyết TTHC nhưng còn bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, khó thực hiện.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về CCHC; khắc phục tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện CCHC theo hướng đồng bộ, hiện đại, thống nhất; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa…

CẨM LY