"Tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian lao động"
TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Điều 1 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (hiện hành) đã quy định quản lý và sử dụng lao động, thời gian lao động của khu vực hành chính nhà nước và sự nghiệp công là một trong bốn đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Và Điều 55 của Luật chỉ rõ: Việc sử dụng lao động, thời gian lao động phải trên cơ sở tổ chức công việc hợp lý, khoa học, hiệu quả và gắn với cải cách hành chính. Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian lao động, xử lý công việc phù hợp; xây dựng quy định về kỷ luật lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.
Có sự “nhầm lẫn” thời gian làm việc
Trên thực tế, khu vực hành chính nhà nước và sự nghiệp công đang có hai chế độ thời gian làm việc.
Một là, chế độ thời gian làm việc không thường xuyên. Đó là chế độ làm việc ở các đại hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; là phiên họp, kỳ họp của các cơ quan dân cử và là các hội nghị, hội thảo. Thời gian làm việc trong ngày thường là 6 giờ 30 phút (sáng từ 8 giờ - 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ - 17 giờ, kể cả giải lao). Thời giờ làm việc này do chính đại hội, phiên họp, kỳ họp, hội thảo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đại hội, có phiên họp, kỳ họp hay hội thảo quy định phù hợp với tính chất công việc, hoàn toàn không do luật pháp lao động quy định.
Hai là, chế độ thời gian làm việc thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước và sự nghiệp công. Từ 30.9.1999 trở về trước, chế độ làm việc của khu vực này là 6 ngày trong một tuần lễ và 8 giờ trong một ngày, chia làm 2 buổi (sáng, chiều) rõ ràng; một tuần làm việc 48 giờ. Từ ngày 2.10.1999, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17.9.1999 thì chế độ thời gian làm việc đã có sự thay đổi lớn. Điều 1 của Quyết định quy định: “Nay quy định chế độ làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là đơn vị)”. Điều 2 của Quyết định quy định đã chỉ rõ: “Khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, các đơn vị phải bảo đảm các điều kiện: hoàn thành khối lượng công việc được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng và hiệu quả; giữ nghiêm kỷ luật lao động; không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, không tăng quỹ lương...”.
Quyết định 188/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời trong điều kiện hiệu suất công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở những năm cuối cùng của thế kỷ XX đã được nâng cao đáng kể, do vậy được giảm bớt thời gian lao động một ngày (8 giờ) trong mỗi tuần lễ. Và ngày làm việc không chia ra 2 buổi như trước, mà làm “thông tầm”, nghỉ một tiếng để ăn trưa, nhằm tiết kiệm thời gian đi lại trong điều kiện giao thông đô thị chưa được cải thiện bao nhiêu. Điều đó cũng là phù hợp với xu thế quốc tế.
Cho đến nay, Quyết định 188 vẫn nguyên hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, không rõ từ đâu, chế độ thời gian làm việc không thường xuyên đã dần dần thay thế cho chế độ thời gian làm việc thường xuyên, và từ không thường xuyên đã trở thành thường xuyên. Ngày làm việc chỉ còn 6 giờ 30 phút, chia ra hai buổi (sáng, chiều rõ rệt); tuần làm việc 30 giờ, và hầu như được thực hiện “triệt để” ở hầu khắp các cơ quan hành chính và nhiều đơn vị sự nghiệp công trong hầu khắp cả nước (trừ bệnh viện và trường học). Buổi sáng 8h cán bộ, công chức, viên chức mới vào nhiệm sở; 11 giờ 30 phút đi ăn trưa; chiều 14 giờ mới lại ngồi vào bàn làm việc, 17 giờ ra về. Đó là mới nói đến thời gian có mặt, nếu tính thời gian thực sự làm việc và làm việc có hiệu quả thì còn thấp hơn nhiều. Nghĩa là, so với quy định của Quyết định 188 thì mỗi người chỉ làm 3/4 thời gian lao động đã được quy định (30 giờ/40 giờ/tuần)...
Thử làm vài phép tính đơn thuần
Thời gian không làm việc tính ra, cứ 4 cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm phải làm việc đầy đủ thì gần như có 1 người không làm việc. Theo báo cáo số 135/BC-BNV ngày 11.1.2021 của Bộ Nội vụ thì khu vực hành chính, sự nghiệp công cả nước có 2.030.518 người, trong đó biên chế của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước có 247.344 người; biên chế sự nghiệp là 1.783.174 người. Nếu cứ 4 người có 1 người không làm việc (như đã tính) thì cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước có tới 61.836 người không làm việc. Còn khu vực sự nghiệp, tổng số giáo viên các cấp học công lập (không tính tư thục, tư nhân) hiện có vào khoảng 1,2 triệu người và tổng số cán bộ y tế công lập (cũng không tính tư nhân) vào khoảng 350.000 người (cả 2 loại này là 1,55 triệu người có thời giờ làm việc về cơ bản không theo giờ hành chính) nên không tính. Còn lại khoảng 233.000 người làm việc ở các cơ quan theo giờ hành chính, với tình trạng làm việc như đã nói thì cũng có hơn 58.000 người không làm việc.
Như vậy, cả hai loại cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp công (không tính nhà trường và bệnh viện) thì thời gian không làm việc quy ra người tương đương với 118.000 người. Đó là chưa bàn đến con số 30% cán bộ công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn từ Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIII. Với mức thu nhập trung bình từ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là 60 triệu đồng/người/năm thì hàng năm ngân sách nhà nước đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho “cái gọi là tiền lương” do thời gian lao động không được sử dụng. Song lại có vẻ như một nghịch lý, đó là: thời gian làm việc chính thức đã không được sử dụng đầy đủ, nhưng thời gian làm thêm (ngoài giờ hành chính) lại quá lớn. Có cơ quan, có quý, số tiền chi cho làm việc ngoài giờ tương đương với 20 - 25% tổng quỹ tiền lương của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan.
Theo kinh điển “tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian lao động” thì đây chính là một sự lãng phí quá lớn đã kéo dài nhiều năm. Hai năm 2020 - 2021 đại dich Covid-19 hoành hành, cán bộ, công chức nhiều ngày phải làm việc trực tuyến khó khăn, vất vả, nhưng suốt 20 năm kể từ năm 2000 đến đầu năm 2020 và từ nay về sau thì phải xem xét, “rút sợi dây kinh nghiệm” sâu sắc và chỉnh sửa cho có hiệu quả.
Những giải pháp khắc phục lãng phí lao động
Giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm, đường lối Đại hội XIII của Đảng, đó là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; đồng thời có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật lao động, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Quán triệt quan điểm “Tiết kiệm lao động... chẳng những là một nguyên tắc, một kỷ luật lao động, mà còn là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của người lao động dưới chế độ XHCN. Sử dụng... lãng phí lao động là một tội lỗi”(1). Ở đây có vấn đề về nhận thức: không ít cán bộ, đảng viên thường xuyên, đương nhiên vi phạm thời gian lao động, nhưng lại coi là chuyện bình thường. Tại phiên chất vấn chiều 9.11.2020 của Quốc hội, khi nói về văn hóa công sở, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối văn xã đã nhấn mạnh rằng, “Có những thứ chúng ta tưởng là dễ thấy, nhưng không phải. Ví dụ: ăn cắp, ai cũng biết là xấu, nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nghĩ là xấu”. Bởi vậy, quán triệt và thực thi nghiêm túc quan điểm của Đảng là phải khắc phục cho được lối suy nghĩ giản đơn này để thực hiện tốt nhất thời gian lao động đã được pháp luật quy định.
Hai là, trước mắt, Chính phủ cần có một Nghị định (hay một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) quy định về thời gian làm việc của khu vực hành chính nhà nước và sự nghiệp công lập tương tự như Quyết định 188/1999/QĐ-TTg, trong đó quy định cụ thể thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, Quốc hội cần quy định rõ ràng trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhà nước cho rõ ràng, rành mạch. Trước đây trong Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) có Điều 4 quy định, “Chế độ lao động đối với công chức Nhà nước, người giữ các chức vụ được bầu, cử hoặc bổ nhiệm... tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này”, trong đó có thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Nhưng từ Bộ luật Lao động năm 2012 đến nay không còn quy định như Điều 4 nói trên. Do đó đã có sự biến hóa “nhầm lẫn” như đã nói, bây giờ cần thiết phải quy định lại.
Ba là, xây dựng luật và khẩn trương đưa pháp luật vào cuộc sống thì hơn đâu hết, lao động khu vực hành chính nhà nước và sự nghiệp công phải nắm chắc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (hiện hành), đặc biệt là người đứng đầu. Đó là các quy định: Điều 54 - Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động. Quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động phải trên cơ sở ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và yêu cầu cải cách hành chính. Điều 55 - Quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong cơ quan nhà nước phải trên cơ sở tổ chức công việc hợp lý, khoa học, hiệu quả và gắn với cải cách hành chính. Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải... xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian lao động, xử lý công việc phù hợp; xây dựng quy định về kỷ luật lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức. Và một trong những nguyên tắc của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là phải thường xuyên gắn bó chặt chẽ với các hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không chỉ tập trung sức lực, phương tiện, thời gian cho việc xem xét, xử lý việc quản lý, sử dụng tiền bạc, ngân sách nhà nước và tài sản công, mà còn phải tập trung thích đáng, đúng mức vào việc xem xét, xử lý đúng đắn việc quản lý, sử dụng lao động xã hội nói chung, lao động khu vực nhà nước nói riêng. Vì lao động nói chung, lao động trí tuệ, “chất xám” nói riêng là nguồn gốc sản sinh ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Không có lao động sống thì cũng không thể có được lao động vật hóa, tiền bạc, của cải vật chất cũng như các giá trị tinh thần.
__________
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 28 (1967), trang 358.