Theo TS. Nguyễn Văn Pha, để thực hiện tốt nhiệm vụ, trước hết, các đại biểu phải hiểu rằng, tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ của đại biểu HĐND theo luật định. Đại biểu cần thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, đồng thời, báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Tiếp xúc cử tri không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của đại biểu HĐND cấp tỉnh.
“Đại biểu HĐND nên coi tiếp xúc cử tri là quyền của mình. Khi đó, mọi người sẽ có ý thức nghiêm túc chuẩn bị, đầu tư hơn. Phải coi đó là cơ hội tốt để phổ biến cho cử tri, thể hiện năng lực và để nhiều người biết đến mình, vai trò của mình” - TS. Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu cần chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách, pháp luật, cập nhật kịp thời thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước và địa phương. Trong đó, chú trọng thu thập thông tin về những bức xúc, nổi cộm, những vấn đề mà đa số cử tri quan tâm; chuẩn bị nội dung phù hợp với hình thức tiếp xúc, đối tượng tiếp xúc, chuẩn bị các yếu tố cá nhân. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị cho buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu phải xây dựng đề cương để báo cáo trước cử tri. Đây là bước rất quan trọng, đại biểu HĐND không được bỏ qua, đồng thời, phải dự liệu trước những tình huống phức tạp có thể phát sinh để chủ động xử lý.
Khác với tiếp xúc cử tri, mục đích của tham vấn là thu thập và lựa chọn các ý kiến hay, những đóng góp có tính chất hiến kế của cử tri; nghe ý kiến phản hồi về tác động của chính sách và khả năng chấp hành chính sách trong thực tế.
“Trong tham vấn, sự chủ động của đại biểu HĐND rất cao, được thể hiện rất rõ ràng. Đại biểu cần có kỹ năng để chắt lọc, nhận ra các vấn đề thực sự bức xúc, cần thiết trong xã hội, mang lại nhiều phương án lựa chọn, tạo cơ sở để xây dựng chính sách, pháp luật có tính thực tiễn, khả thi cao. Đây cũng là nguồn thu thập thông tin bổ khuyết cho việc thiết kế chính sách, giám sát việc thực thi chính sách; giúp cho chính sách gần với thực tiễn hơn. Đồng thời, nâng chính sách lên tầm nhìn cao hơn, rộng hơn, bao quát hơn; tạo điều kiện cho HĐND và UBND hợp tác sớm quá trình xây dựng chính sách” - TS. Nguyễn Văn Pha lưu ý.
Bên cạnh đó, kỹ năng tiếp công dân cũng là một vấn đề đại biểu cần lưu ý vì đây là nhiệm vụ của đại biểu HĐND theo luật định. Phải đề cao việc “nghe cử tri nói, nói cho cử tri nghe”, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân.
Trao đổi về vấn đề cuối cùng trong chuyên đề là kỹ năng trả lời cơ quan báo chí, TS. Nguyễn Văn Pha cho biết, mục đích trả lời phỏng vấn báo chí nhằm thiết lập, củng cố và duy trì mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với báo giới. Cùng với đó, cung cấp thông tin cho báo giới, định hướng dư luận xã hội. Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, đại biểu HĐND cấp tỉnh nên sử dụng triệt để kênh truyền thông, góp phần tạo dựng uy tín, hình ảnh của người đại biểu.
Tuy nhiên, theo ông Pha, để phỏng vấn đạt hiệu quả mong muốn, đại biểu phải nắm được cách thức làm việc, phương thức đưa tin để có cách trả lời phù hợp. Khi trả lời phỏng vấn nên lựa chọn trang phục phù hợp và phải rèn luyện cho mình phong thái tự tin, thân thiện, thẳng thắn.