Đại tá Mạc Đức Trọng
Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một trong những đơn vị non trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ đặc thù, hoạt động trong cơ chế đa phương quốc tế. Môi trường hoạt động xa tổ quốc, khu vực hậu xung đột hoặc tái xung đột vũ trang; hạ tầng xã hội nghèo nàn, thiếu thốn, dịch bệnh, cung ứng hậu cần rất khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên Hợp Quốc gửi thư khen ngợi, bạn bè quốc tế, người dân địa phương yêu mến.
Điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân, hơn 150 ca phẫu thuật
Sau bốn năm từ thời điểm Việt Nam cử hai cán bộ đầu tiên tham gia Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc (tháng 5.2014), đến cuối năm 2018 Việt Nam ta đã triển khai thành công đội hình đơn vị đầu tiên, đó là bệnh viện dã chiến 2.1 (BVDC2.1) tới Bentiu, Nam Sudan. Việc cử một đơn vị GGHB là một bước ngoặt về quy mô, thay đổi về chất trong đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình thế giới.
Trong 5 năm qua, BVDC cấp 2 đã thu dung điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 150 ca phẫu thuật, 70 ca vận chuyển đường không, bảo đảm an toàn, xử lý thành công nhiều ca cấp cứu y tế phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao vượt xa yêu cầu của Liên Hợp Quốc; nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức điều trị theo phác đồ y học cổ truyền, vật lý trị liệu. Các thê đội BVDC cấp 2 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hàng quý đều đạt các kỳ kiểm tra năng lực của cơ quan y tế Phái bộ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được chuyên môn, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên Hợp Quốc và người dân tại địa bàn.
Lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị, đặc biệt là loại hình Bệnh viện Quân y với yêu cầu chất lượng phải đạt chuẩn quốc tế và Liên Hợp Quốc là một thách thức không nhỏ với Việt Nam, khi chúng ta chưa có chứng chỉ và kinh nghiệm về cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS). Thực tế, trên thế giới rất ít nơi có thể cấp được chứng chỉ ITLS, riêng Mỹ chỉ có hai cơ sở đào tạo và cấp được chứng chỉ này.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển con người, vật chất trang bị và cung ứng thường xuyên cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Với vị trí địa bàn xa xôi hiểm trở, cơ sở hạ tầng gần như bằng không. Ban đầu, hoạt động khám, chữa bệnh đều hoàn toàn trong những lều bạt, với tất cả trang thiết bị từ nhỏ nhất đều phải vận chuyển từ Việt Nam. Công tác vận chuyển bằng nhiều hình thức như đường biển, đường bộ và đường hàng không. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc cung ứng vật tư gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, Quân đội ta đã vô cùng sáng tạo, khéo léo vận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để giải quyết các trở ngại trên.
Trong công tác huấn luyện, Việt Nam đã nhờ các nước có kinh nghiệm tốt như Mỹ, Úc hỗ trợ huấn luyện, đào tạo cho cán bộ, nhân viên BVDC cấp 2 các loại hình cấp cứu đường không và cấp cứu chấn thương nâng cao. Phía Úc đã giúp vận chuyển người và hàng hóa, vật chất bằng máy bay vận tải C-17. Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đã được di chuyển bằng một lộ trình tối ưu nhất, xuất phát từ Việt Nam sang cảng Mombasa - Keyna, đến Uganda và cuối cùng là Nam Sudan. Từ Nam Sudan, hàng hóa được di chuyển bằng trực thăng để đến Bentiu. Các Bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn luôn nhiệt tình khám, chữa bệnh cho tất cả bệnh nhân, kể cả những đối tượng không có trong quy định được hưởng của Liên Hợp Quốc. Từ đó tạo được thiện cảm quốc tế và phần nào khắc phục hạn chế về ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên.
Với tất cả những nỗ lực, giai đoạn 2019 - 2024, BVDC cấp 2 đã được Liên Hợp Quốc gửi thư đến Chính phủ Việt Nam khen ngợi và được bạn bè quốc tế, người dân địa phương yêu mến.
Triển khai thành công Đội công binh
Năm 2022, sau 4 năm triển khai BVDC, Quân đội đã triển khai thành công Đội công binh số 1 (ĐCB) với 184 cán bộ, nhân viên cùng hơn 2.500 tấn trang thiết bị tới Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Đây là bước đột phá của Việt Nam khi mở ra một loại hình đơn vị mới trong tham gia sứ mệnh GGHB Liên Hợp Quốc.
Không phụ lòng tin của lãnh đạo Đảng và Quân đội, ĐCB Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, vượt trên cả mong đợi của Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã xây dựng được 11 lớp học, 1 thư viện với 5 máy tính, làm mới 1 hệ thống giếng khoan và bơm điện, làm mới các con đường và cải tạo hạ tầng của các trường học, nhà thờ, bệnh viện… Tổ chức khám chữa bệnh cho Nhân dân địa phương, hướng dẫn người dân trồng cây nông nghiệp, cải tạo và làm mới hệ thống kênh mương thoát nước cho hai thị trấn dài hàng chục km; sửa chữa thuyền cho Nhân dân địa phương…
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai đến địa bàn, Chỉ huy Phái bộ UNISFA, chính quyền địa phương, người dân Khu vực Abyei đánh giá rất cao và khẳng định ĐCB của Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo Khu vực Abyei, làm tăng niềm tin của người dân địa phương, đặc biệt đã lan tỏa phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến bạn bè quốc tế.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ĐCB1 đã gặp rất nhiều khó khăn như: lần đầu tiên Việt Nam đưa một lực lượng, trang bị lớn như vậy để thực hiện nhiệm vụ gồm: 140 đầu xe máy các loại, 62 container với tổng số 2.500 tấn trang thiết bị đến Phái bộ. Toàn bộ quá trình di chuyển vận tải hàng hóa theo đường biển từ Việt Nam qua Biển Đỏ đến Cảng Sudan. Từ cảng Sudan đi đường bộ 1.700km qua rất nhiều vùng bất ổn về an ninh, chiến sự, nhưng chúng ta vẫn đến vị trí an toàn. ĐCB Việt Nam chỉ mất chưa đến 3 tháng triển khai toàn bộ lực lượng và trang bị đến Phái bộ trong khi một số quốc gia khác mất hơn 2 năm mới triển khai xong.
- Cục GGHB Việt Nam đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ký 10 Bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác (MOU) về GGHB Liên Hợp Quốc với các đối tác quốc tế giàu kinh nghiệm, trong đó có 4 nước thường trực HĐBA; tích cực tham gia các cơ chế đa phương như ADMM+, Liên minh châu Âu (EU), GPOI; các hiệp hội, mạng lưới khu vực và quốc tế về GGHB Liên Hợp Quốc như Hiệp hội các trung tâm GGHB ASEAN (APCN), châu Á - TBD (AAPTC) và quốc tế (IAPTC).
- Từ năm 2014, Việt Nam từ con số 0 về huấn luyện đào tạo GGHB Liên Hợp Quốc đến nay chúng ta đã chủ động, tự chủ được các loại hình đào tạo. Hiện nay, chúng ta tự hào có những Giảng viên đủ trình độ được mời giảng dạy bằng tiếng Anh cho những khóa huấn luyện quốc tế tại Việt Nam và tại các nước khác như Canada, Mông Cổ, Đức… Ngoài ra, lần đầu tiên Việt Nam được công nhận có một Trung tâm đạt chuẩn thế giới về huấn luyện cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS) duy nhất ở Đông Nam Á.
Chưa hết, ĐCB Việt Nam đã ngày đêm đào đắp hàng trăm nghìn mét khối đất để giải quyết tính cấp bách về vận tải của Phái bộ cũng như cuộc sống của người dân. Chúng ta đã tổ chức nhiều đợt cứu hộ sa lầy cho Liên Hợp Quốc và nhân dân địa phương để bảo đảm người dân có được lương thực và Phái bộ có được cung ứng. Đặc biệt, chúng ta đã nhận và hoàn thành những việc mà các đơn vị khác không ai muốn làm như thực hiện chiến dịch thu gom và tiêu hủy bò chết vì dịch bệnh cùng các công tác dân vận, giúp đỡ người dân địa phương xây dựng lớp học, thư viện ở những vùng xa xôi hẻo lánh…
Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu cùng sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Hợp Quốc, lực lượng mũ nồi xanh của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục ghi thêm dấu ấn mới trong phong trào thi đua quyết thắng, tiếp tục tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới.