Chưa có điểm mới, nét mới về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở
Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư đề ra nhiệm vụ: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy ở các cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy. Ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày, có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Cùng với đó, tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành, kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.
Cho ý kiến với quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở (Điều 17 dự thảo Luật), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, nhà dân sinh hiện là vấn đề được người dân quan tâm. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định về phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư, trong xóm, nhưng trong dự thảo Luật lại "chưa có điểm mới, nét mới" về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu thực tế, trong các vụ cháy xảy ra vừa qua, nhất là những vụ việc cháy nhà dân, cháy chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó, cần có các quy định cụ thể hơn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với những mô hình nhà ở kết hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu vấn đề, hiện nay nhà ở kết hợp kinh doanh ngày càng phổ biến, như dạng “shophouse” trong các khu đô thị, thì việc quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở này rất cần thiết.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 17, dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ giải pháp ngăn cháy giữa các khu vực để ở với các khu vực kinh doanh là gì, có phù hợp với nhà ở kết hợp với kinh doanh hay không, để xem xét tính khả thi của quy định? Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, dự thảo Luật cần giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nếu chưa quy định được cụ thể ngay trong Luật, tránh việc áp dụng tùy nghi, không bảo đảm tính khả thi khi áp dụng.
Tạo thuận lợi hơn trong công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy
Góp ý về nội dung nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dự thảo Luật đang quy định theo hướng phân cho khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng thực hiện. Thế nhưng, soi chiếu vào điều luật cụ thể, thì chưa có nội dung về phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần thiết kế theo hướng phân công nhiệm vụ, cơ chế phối hợp rõ ràng, giảm đầu mối, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Khoản 2, Điều 13, dự thảo Luật quy định, khi lập, điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng mới; khi thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo làm ảnh hưởng đến điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy của dự án, công trình có yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục dự án, công trình có yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết lại chưa thấy có nội dung cụ thể về danh mục này. Ngoài một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường cấp thoát nước, thì hầu hết các dự án, công trình đều có yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có công trình nhà ở dân sinh. Và, hiện nay đối với đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn rất nhiều công trình dân sinh không thể bảo đảm tiêu chí, giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy như quy định tại khoản 2, Điều 13, dự thảo Luật. Dẫn ra ví dụ cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhà trong ngõ, hẻm sâu chưa đáp ứng được các yêu cầu về khoảng cách an toàn và giao thông phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Vì vậy, cần có giải pháp đạt hiệu quả tốt nhất ngay tại dự thảo Luật lần này để giải quyết những vấn đề về thiết kế phòng cháy, chữa cháy trong công trình xây dựng dân sinh đang tồn tại, tránh trường hợp khi xây dựng mới, cải tạo nhà ở, người dân gặp khó khăn trong xin cấp phép xây dựng với những yêu cầu không có khả năng thực hiện nhưng được quy định trong pháp luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Trong kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các điều kiện, tiêu chí nội dung quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và có bổ sung đánh giá tác động với các nội dung mới này. Đồng thời, tiếp tục rà soát về chính sách của Nhà nước về nội dung quy hoạch phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm quản lý của Nhà nước, phân cấp, phân quyền về xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn theo quan điểm "phòng là chính".