Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì cuộc làm việc.
Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai, đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao (đã hoàn thành 63/102 nhiệm vụ).
Riêng lĩnh vực văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đây là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong điều kiện mới.
Bộ cũng tập trung hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các nội dung, dự án về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại các địa phương. Tổ chức một số ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới và các dân tộc, Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc... Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; tu bổ, tôn tạo các di tích, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Ngành thể thao đã tổ chức thành công một số sự kiện thể thao ở tầm quốc gia, khu vực một số môn thể thao dân tộc được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và giới thiệu ra quốc tế. Các hoạt động thể thao quần chúng diễn ra ổn định, thường xuyên, một số loại hình thể thao quần chúng, thể thao giải trí phát triển mạnh với nhiều giải đấu có quy mô lớn, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.
Thể thao Việt Nam đã cử lực lượng tham dự các giải đấu lớn và đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận: Thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt 1 huy chương đồng tại Paralympic Paris 2024; Billiards Carom Việt Nam liên tiếp vô địch Worldcup Billiards Carom cá nhân và đồng đội...
Về du lịch, trong 8 tháng năm 2024, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước gần 11,4 triệu lượt, đạt 63% mục tiêu năm; tổng lượng khách du lịch nội địa ước gần 89,5 triệu lượt, đạt 81% mục tiêu năm; tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 585,4 nghìn tỷ đồng, đạt 69% mục tiêu năm. Thị trường khách du lịch quốc tế tăng trưởng cao; các thị trường lớn đã phục hồi hoàn toàn, một số thị trường đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2019…
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thiếu đồng bộ
Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ đầu năm đến nay, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, chính sách, pháp luật cho phát triển văn hóa chưa đầy đủ, đồng bộ; các chính sách đặc thù về đầu tư, đất đai, thuế... chưa cụ thể, khả thi; còn lĩnh vực chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Một số văn bản trình Quốc hội còn chưa đúng tiến độ. Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 chậm ban hành.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu đồng bộ, không đủ các hạng mục cơ bản như các phòng chức năng, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao hoặc vị trí không thuận lợi, nằm xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức, hoạt động. Việc lập quy hoạch, kế hoạch dành đất cho thể dục, thể thao gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, bị thay đổi, chuyển mục đích sử dụng.
Việc huy động, bố trí nguồn lực cho công tác xúc tiến du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Thị trường du lịch còn lệ thuộc vào một số thị trường nguồn; phân khúc thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày chiếm tỷ trọng thấp. Những vướng mắc bất cập trong điều hành, quản lý, hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa được khắc phục...
Tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn
Về phương hướng công tác năm 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể để đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đất đai, thuế, phí… nhằm huy động các nguồn lực phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa.
Tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 (khi được ban hành).
“Nếu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thông qua, năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để năm 2026 bắt tay ngay vào triển khai. Rút kinh nghiệm của các giai đoạn trước, hoàn thành xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi càng sớm thì càng có nhiều thời gian hướng dẫn tổ chức thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ cần tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, lưu ý các nhiệm vụ như: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù.
Tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập ở trung ương theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện mô hình mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương và các nội dung có liên quan để trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền thực hiện thống nhất trên cả nước từ năm 2025…
Tham mưu, ban hành, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030. khẩn trương rà soát các quy định còn vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực thể dục, thể thao; kịp thời ban hành, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung. Tập trung xử lý các vấn đề tồn tại liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình...
Về du lịch, tập trung rà soát, tham mưu đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực du lịch; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương hoàn thiện bộ máy, cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Về phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, việc giải ngân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chậm (vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đến hết 30.6 giải ngân đạt 17,81% kế hoạch được giao; nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (ODA) đạt 16%; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 15,12% kế hoạch vốn kéo dài).
Về thực hiện các dự án thành phần văn hóa, thể thao, du lịch thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến thời điểm báo cáo, một số dự án thành phần vẫn chưa được giao kinh phí thực hiện.
Đối với dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã được bố trí kinh phí nhưng chưa nêu rõ kết quả thực hiện.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện các giải pháp kịp thời tháo gỡ rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2024; bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch hoạt động hằng năm của từng lĩnh vực...