Bảo đảm hiệu quả, tránh phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực
Đa số các ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã dựa trên kết quả việc tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên phong tỏa trong quá trình tiến hành tố tụng các vụ án hình sự. Đồng thời, đã bám sát đúng yêu cầu, quan điểm của Đảng, đó là những vấn đề cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu thực tế, có những vụ án lớn thông thường kéo dài hàng năm, khi cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên và cấm giao dịch thì đến khi giải quyết xong có những tài sản trong quá trình điều tra truy tố xét xử thì lẽ ra phải xử lý hoặc xử lý sớm nhưng không xử lý được để đến khi tòa xét xử sẽ gây ra tình trạng lãng phí, tài sản này không được đưa vào sử dụng khai thác. Có những tài sản kể cả bị cáo, bị can, người bị hại vẫn muốn xử lý, thậm chí lúc đó bị cáo có muốn nộp tiền, nộp tài sản để khắc phục hậu quả để làm tình tiết giảm nhẹ cũng phải đến tòa án, lúc đó giá trị tài sản cũng không thể định giá đúng, hoặc tài sản đó có thể hỏng hóc, xuống cấp không thể sử dụng được.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng, xem xét xử lý sớm vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết.
Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết?
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
ĐBQH Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) đề nghị, nên mở rộng phạm vi của dự thảo Nghị quyết chứ không chỉ trong các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho các bên tham gia pháp luật.
Mặt khác, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đang chỉ nêu giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm chung, mà trong giai đoạn này chưa rõ là có khởi tố vụ án hay không và có hành vi phạm tội xảy ra hay không. Do đó, đề nghị cần rà soát, bổ sung làm rõ phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và Điều 3 của dự thảo Nghị quyết cho đúng với Kết luận số 87-KL/TW ngày 13.7.2024 của Bộ Chính trị; điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn nhưng không bị mẫu thuẫn với các Luật, bộ luật hiện hành có liên quan.
Bên cạnh đó, phạm vi dự thảo Nghị quyết cũng chưa thể bao quyết hết được vì các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo thì chỉ diễn ra ở 1 số tội phạm, các loại án này thì chỉ phức tạp về tính chất, quy mô và diễn ra ở một số tội danh. Trong khi đó, trên thực tế có thể diễn ra và thi hành hầu hết các tội danh có liên quan đến vật chứng liên quan đến tiền, tài sản. Hơn nữa, ngay trong tiêu đề Nghị quyết là thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, điều đó có nghĩa là tất cả các vụ án hình sự đều có thể được lựa chọn thí điểm.
Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, cần quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là phù hợp.
Tuy nhiên, ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng, theo quy định, những vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là những vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án tiêu cực khác ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất, đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
"Như vậy, phạm vi vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo không chỉ là đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể có cả tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng", đại biểu Lê Tất Hiếu cho biết.
Mặt khác, về nguyên tắc, khi giải quyết tất các các vụ án, vụ việc mà cần xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà tuân theo đầy đủ các nguyên tắc và các điều kiện quy định tại Điều 2, Điều 3 của Nghị quyết này thì đều có thể giải quyết được theo nội dung của Nghị quyết.
Do vậy, đại biểu cho rằng, không cần bổ sung các tiêu chí khác, như: tính chất của tội phạm, phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự... vào phạm vi dự thảo Nghị quyết.