Tiếp tục nghiên cứu về trường hợp dương tính trở lại

Vân Phi 09/05/2020 08:40

Hơn 20 ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, song, cũng có nhiều trường hợp đã khỏi bệnh tái dương tính với SARS-CoV-2. Việc những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh lại phát hiện dương tính trở lại bằng xét nghiệm RT-PCR đã được báo cáo tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

 Hiện nay, những người tái dương tính được cách ly và lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR hàng ngày. Nếu mẫu bệnh phẩm nào có kết quả dương tính sẽ được đưa vào cấy trong môi trường thuận lợi cho virus mọc. Bên cạnh đó, các xét nghiệm kháng thể trung hòa cũng được tiến hành song song để xác định khả năng tiêu diệt, bất hoạt virus của kháng thể.

Bệnh nhân tái dương tính không lây nhiễm

Theo thông tin từ Bộ Y tế, những ca bệnh Covid-19 tái dương tính sau khi đã được điều trị khỏi đều có sức khỏe bình thường, không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, trừ trường hợp bệnh nhân phi công người Anh tiên lượng nặng. Khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân, cơ quan chức năng phát hiện bệnh nhân tái dương tính và được đưa trở lại cách ly, theo dõi để bảo đảm cho cộng đồng; các bác sĩ cũng không tiến hành điều trị mà chỉ thực hiện nuôi cấy virus.

“Qua theo dõi dịch tễ trên thế giới có thể thấy, đến nay, những ca dương tính trở lại ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc... không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù đã về cộng đồng cách ly. Những người tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh này, đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, việc bệnh nhân tái dương tính sau khi điều trị là một trong những thành phần của đáp ứng miễn dịch cần phải nghiên cứu thêm. Về y tế công cộng, chúng ta không hề e ngại những người tái dương tính” - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho hay.

Cũng theo ông Kính, hiện nay, xét nghiệm Realtime-PCR (RT-PCR) là phương pháp xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền của SARS-CoV-2. Theo đó, chỉ lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gene của con SARS-CoV-2. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất với độ nhạy cao tới 98% và đặc hiệu cao nhất, được coi là phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, đây chỉ là một xét nghiệm phát hiện mật mã di truyền của virus chứ không phải phát hiện toàn bộ virus. Nói cách khác, xét nghiệm này là chỉ xác định được có hay không sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm mà không thể xác định được đó là virus sống, bất hoạt hay đã chết. Nếu muốn xét nghiệm toàn bộ, muốn khẳng định ở bệnh nhân tái dương tính virus còn hoạt động hay không phải tiến hành nuôi cấy virus này.

Nhiều ca bệnh Covid-19 tái dương tính sau khi đã được điều trị khỏi nhiều ngày Nguồn: ITN
Nhiều ca bệnh Covid-19 tái dương tính sau khi đã được điều trị khỏi nhiều ngày 
Nguồn: ITN

Nhiều giả thuyết khác nhau

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Lê Quốc Hùng cho biết, đối với những ca bệnh Covid-19 tái dương tính sau khi đã được điều trị khỏi nhiều ngày, như trường hợp bệnh nhi 10 tuổi đã hoàn thành đủ cách ly 14 ngày và phát hiện dương tính trở lại sau gần một tháng xuất viện, có 3 giả thiết được các nhà khoa học đặt ra.

Giả thuyết thứ nhất là do sai lầm trong xét nghiệm. Giả thiết này được đặt ra trong giai đoạn vài trường hợp đầu tiên tái dương tính xuất hiện, nhưng nhiều trường hợp tái dương tính đã xuất hiện sau đó và những người này đã được xét nghiệm nhiều lần dương tính. Do vậy, trong thực tế giả thuyết này chỉ đúng trong một vài trường hợp.

Giả thuyết thứ hai là do tái phát hay tái nhiễm. Về lý thuyết, hiện nay chưa có thuốc diệt virus đặc hiệu, do vậy việc số lượng virus bị giảm đi và biến mất trong cơ thể người bệnh là do vai trò của kháng thể. Khi khỏi bệnh cũng có nghĩa là kháng thể do cơ thể người bệnh tạo ra đã đủ để tiêu diệt virus. Trong thực tế, có một số virus đột biến qua các vòng phát triển, những virus đột biến này có thể trốn thoát được kháng thể tồn tại và phát triển thành bệnh ở những người đã khỏi bệnh dẫn tới các trường hợp tái phát hay tái nhiễm. Nhiều ý kiến cho rằng, giả thuyết này cần có thêm thời gian theo dõi và xác định.

Về giả thuyết thứ ba là người tái nhiễm mang xác virus. Theo đó, khi kháng thể đặc hiệu được cơ thể sản sinh ra đủ để “tổng phản công”, phần lớn virus trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt và đào thải ra ngoài cơ thể. Đơn cử như các bệnh nhân tái nhiễm được đưa trở lại theo dõi sẽ được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để nuôi cấy, phân lập SARS-CoV-2. Đến nay, các kết quả nuôi cấy đều không thấy SARS-CoV-2 mọc trở lại, không phát triển mà chỉ là mảnh nhiễm sắc thể qua độ nhạy rất cao của bộ test.

Tuy có rất nhiều giả thuyết nhưng cho tới nay đại đa số những trường hợp tái dương tính là những người không có tái phát triệu chứng bệnh và cũng không lây bệnh cho những người tiếp xúc gần. Do đó, theo Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Lê Quốc Hùng, để biết chính xác vấn đề tái dương tính, các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về bản chất của SARS-CoV-2.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiếp tục nghiên cứu về trường hợp dương tính trở lại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO