Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
_____________________________________
Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM nhấn mạnh, định hướng xây dựng Luật là các quy định phải đi vào thực tiễn đời sống, là nhân tố tích cực tạo chuyển biến mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Bám sát định hướng đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật
________________________________________
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nhiệm vụ lập pháp đầu tiên được giao cho một cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV chủ trì lập đề nghị và soạn thảo. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện, quá trình triển khai xây dựng có thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
- Trong quá trình triển khai xây dựng dự án Luật, Hội đồng Dân tộc có nhiều thuận lợi. Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương, quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND; có sự chỉ đạo rõ ràng về định hướng đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật.
Chúng ta cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn phong phú, vững chắc cho việc thực hiện sửa đổi Luật. Về cơ sở lý luận, Quốc hội đã có các đề án, công trình khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành ở Trung ương, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổng kết toàn diện, đánh giá sâu sắc thực tiễn hơn 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng, xác định những nội dung còn phù hợp, những quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát để tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện…
Bên cạnh thuận lợi, công tác soạn thảo dự án Luật có gặp một số khó khăn. Hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan dân cử, tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong tình hình mới, kiểm soát quyền lực nhà nước, nên việc soạn thảo Luật phải làm sao thể chế hóa chính xác và đầy đủ các quan điểm, chính sách này.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp, phải đi vào thực tiễn của đời sống xã hội, phải là nhân tố tích cực làm chuyển biến mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nhưng vẫn phải bảo đảm bám sát định hướng đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, bám sát định hướng đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, dự thảo Luật đã được nghiên cứu, xây dựng theo hướng ngắn gọn, quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác; không luật hóa quy định của các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, việc phân định rạch ròi các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gặp khó khăn, nhất là những nội dung mới, chưa được quy định trong Hiến pháp hay Luật Tổ chức Quốc hội.
Ngoài ra, quá trình xây dựng dự án Luật, Hội đồng Dân tộc còn gặp khó khăn do hạn chế về kinh nghiệm lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật và soạn thảo Luật, trong điều kiện thiếu về nhân lực, nguồn lực trong khi phải bố trí thời gian và nhân sự cho việc thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, Hội đồng Dân tộc đã nỗ lực cao, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân gắn với nhiệm vụ được giao, tích cực học hỏi, cầu thị, tổ chức tốt công tác phối hợp để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, đáp ứng sự tin tưởng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bảo đảm phù hợp với thực tiễn, gọn nhẹ về nội dung
________________________________________
- Trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, dự án Luật đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Tới đây, dự án Luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý như thế nào để bảo đảm hoạt động giám sát thực sự là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, thưa ông?
- Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi tiếp tục quán triệt mục đích và quan điểm xây dựng Luật đã được xác định trong quá trình soạn thảo.
Một là, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9.11.2022, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Hai là, bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát; bổ sung các quy định mới, hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.
Ba là, kế thừa và phát huy những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả của Luật hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan. Chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương liên quan đến đổi mới hoạt động giám sát. Bảo đảm nội dung cụ thể, có hiệu lực trực tiếp, khắc phục tình trạng luật thiếu ổn định, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn hoạt động giám sát; có tính khả thi, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện, điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay.
- Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Hội đồng Dân tộc đã quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong dự án Luật như thế nào?
- Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Công thư gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện theo định hướng đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật. Đồng thời, quán triệt bám sát và thực hiện theo chủ trương đổi mới của Nghị quyết 27-NQ/TW để đổi mới tư duy xây dựng luật bảo đảm tinh thần “chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”.
Theo đó, bảo đảm Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; bảo đảm dân chủ, công bằng, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, hiệu quả, dễ hiểu, dễ thực hiện, gọn nhẹ về nội dung; bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; những vấn đề mới, đang trong quá trình biến động, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao cho cơ quan chức năng quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, mở không gian đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao năng lực thực thi Luật; bắt kịp xu hướng mới, tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử trong thời gian tới.
Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục nghiên cứu, thể chế việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến đổi mới thực chất hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng quan trọng, trong đó có hoạt động giám sát. Cụ thể là “cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”.
Thực hiện nghiêm túc quy định đang được xây dựng và hoàn thiện của Đảng đoàn Quốc hội về trách nhiệm, quy trình các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ với cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục, tên các cơ quan cụ thể và văn bản quy phạm pháp luật cần được giám sát cũng sẽ được chỉnh lý theo hướng khái quát.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!