Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Tiếp tục lọt top 10 về cải cách thủ tục hành chính

- Thứ Tư, 20/05/2020, 07:11 - Chia sẻ
Với việc ra mắt và sử dụng ứng dụng SOS kết nối và hỗ trợ người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; ra mắt Cổng tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, Cổng thông tin kết nối doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp... Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục lọt vào top 10 đơn vị bộ, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách thủ tục hành chính 2019 (PAR INDEX).

Cụ thể, trong bảng xếp hạng PAR INDEX 2019 công bố ngày 19.5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đứng ở vị trí thứ 9, tăng 1 bậc so với kỳ đánh giá năm 2018.  Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, “kết quả này phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Bộ trong năm vừa qua”.


Nguồn: Báo Thủ đô

Bãi bỏ, đơn giản nhiều thủ tục

Từ ngày 12.5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp thêm các dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội luôn chú trọng việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành.

Năm 2019, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành 10 Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, có 38 TTHC được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, 32 TTHC được bãi bỏ, đưa ra khỏi danh mục và 18 TTHC ban hành mới. Với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa thêm 28 điều kiện kinh doanh.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; đồng thời ban hành bộ câu hỏi/ trả lời về những vấn đề thường gặp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Dấu ấn nổi bật góp phần giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội "thăng hạng" cải cách hành chính trong năm vừa qua chính là việc đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Bộ với Người dân và Doanh nghiệp với 3 mục tiêu. Thứ nhất, giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, hỏi đáp chính sách của người dân, doanh nghiệp, cử tri và ĐBQH, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. Thứ hai, lập và quản lý hồ sơ điện tử của các phản ánh, kiến nghị, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của Bộ trong giao tiếp người dân và doanh nghiệp; lập báo cáo thống kê và phân tích phản ánh, kiến nghị phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ hàng năm. Thứ ba, thực hiện kết nối, liên thông với Hệ thống Bộ với người dân và doanh nghiệp của Chính phủ, với các đơn vị liên quan phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, tiến tới áp dụng chữ ký số trên Hệ thống Bộ với người dân và doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2019, Bộ đã xây dựng, triển khai thí điểm ứng dụng kết nối trên thiết bị di động giữa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với Bộ và hỗ trợ khẩn cấp (SOS); ra mắt trang quản lý văn bằng số, cổng thông tin kết nối doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp…

Gần đây nhất, ngày 25.2.2020, Bộ cũng khai trương ứng dụng phần mềm kết nối trên thiết bị di động giữa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với Bộ và hỗ trợ khẩn cấp (COLAB SOS).

Ngoài ra, công tác tinh giản đội ngũ công chức, viên chức, đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ mới có năng lực, phẩm chất cũng được quan tâm. Bộ cũng đã tiến hành xây dựng Hệ thống một cửa điện tử của Bộ theo hướng dựa trên một nền tảng công nghệ thống nhất, một phần mềm thống nhất", Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Tập trung cải cách thể chế

Năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục đạt kết quả cao hơn trong cải cách hành chính cũng như cải thiện các chỉ số thành phần của PAR INDEX. Trước tiên là tập trung cải cách thể chế nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 35/NQ-CP và các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; hoàn thành, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Đồng thời quyết liệt thực hiện những nội dung, nhiệm vụ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng một cửa quốc gia đối với các TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ; công bố áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Thái Bình