Tiếp tục "lỡ hẹn"!

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:37 - Chia sẻ
Theo số liệu tháng 7 của Bộ Tài chính về cổ phần hóa, vẫn chỉ có 3 doanh nghiệp như trong báo cáo tháng 6. Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Argibank) ... tiếp tục "lỡ hẹn".

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7.2021, chỉ có 39/128 doanh nghiệp trong danh mục đã cổ phần hóa, đạt 30% kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020. Từ nay đến cuối năm, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa là 89 doanh nghiệp. Ngoài tiến độ thực hiện cổ phần hóa chậm, việc thoái vốn nhà nước cũng chưa đạt kế hoạch đề ra. 7 tháng qua, các doanh nghiệp nhà nước chỉ thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong khi theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, số thu từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp do Trung ương quản lý là 40.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Tài chính là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương; một số doanh nghiệp lớn vẫn đang trong quá trình xử lý tài chính cũng như những vướng, mắc tồn tại trong quá trình hoạt động, thực hiện sắp xếp lại; xử lý nhà, đất. Đặc biệt, như nhận định của đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp thì trong danh mục cổ phần hóa giai đoạn này có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn với các hoạt động của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội, thể hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nên từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã nảy sinh tâm lý chần chừ xem có cổ phần hóa những doanh nghiệp này không.

Ngoài ra, còn có tình trạng chờ đợi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước mới theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Bởi vậy, theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Chính phủ cần có "thông điệp" nhắc nhở lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Phải khắc phục và chấn chỉnh nhận thức chần chừ, chờ đợi này.

Cần nhắc lại rằng, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, câu hỏi vì sao tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp vẫn rất chậm đã được nêu ra. Đó là có phải do chậm sửa đổi một số nghị định như Nghị định 126, Nghị định 167, Nghị định 32, nhất là việc xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn? Phải chăng vướng mắc ở các tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều địa phương… nên việc xử lý tài chính, sắp xếp lại nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn...?

Những vấn đề này có thể là nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là do yếu tố con người. Như bình luận của một chuyên gia thì có thể vì doanh nghiệp nhà nước quá quen với lợi ích đang được hưởng đã ảnh hưởng đến ý chí có muốn chuyển đổi hay không. Bởi khi chuyển đổi sẽ đồng nghĩa với việc chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn, chấp nhận những "quy luật" khắt khe của thị trường và phải tuân thủ những quy định phổ quát cho các doanh nghiệp, phải cạnh tranh bình đẳng hơn với doanh nghiệp  tư nhân, doanh nghiệp FDI, khả năng tiếp cận nguồn lực của Nhà nước.

Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng thực tế, ngoài những vướng mắc về định giá, về đất, tài sản trên đất, trang thiết bị, tài sản nhà nước… yếu tố cốt lõi dẫn đến tiến trình cổ phần hóa chậm chính là hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, là lấn cấn về lợi ích.

Hà Ninh