Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tiếp tục lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:23 - Chia sẻ
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng, hàng năm đều vượt so với kế hoạch được giao. Những thành tích đó có sự đóng góp tích cực của công tác thi đua, khen thưởng nói riêng và đặc biệt là phong trào thi đua yêu nước nói chung. Đó là thông tin được đưa ra tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025).

Triển khai quyết liệt và đồng bộ 

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu thi đua bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhiệm vụ chính trị của ngành, đã tạo khí thế mới, chuyển biến tích cực với nhiều đổi mới trong tổ chức, thực hiện. Nhờ đó, hàng năm BHXH Việt Nam đều thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an sinh xã hội đất nước. 

Đơn cử năm 2019 đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 85,9 triệu người, tăng 15,7 triệu người so với năm 2015. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 574.000 người, tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước. Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2015 chiếm 76,5% dân số; năm 2019, chiếm 90% vượt 1,9% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao.

Toàn cảnh Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025)

Số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; năm 2015 thu 216.000 tỷ đồng, năm 2019 thu 368.000 tỷ đồng, tăng 152.000 tỷ đồng so với năm 2015; 6 tháng đầu năm 2020 thu đạt 182.984 tỷ đồng, đạt 46,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Năm 2015 giải quyết cho 8,1 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, năm 2019 giải quyết cho 10,4 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 2,3 triệu lượt so với năm 2015. Về BHYT, năm 2015, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 130 triệu lượt người; năm 2019 thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 184 triệu lượt người, tăng 54 triệu lượt người so với năm 2015.

Đánh giá cao công tác thi đua khen thưởng của ngành, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, hàng năm, ngành BHXH đều đưa ra chủ đề thi đua thiết thực nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát động toàn Ngành tham gia. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành gần 200 văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành; phát động và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua theo giai đoạn, thi đua hàng năm và đặc biệt là 10 đợt thi đua chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đem lại hiệu quả rất thiết thực, như phong trào thi đua chuyên đề “Phát huy sáng kiến thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ bàn giao sổ BHXH cho người lao động trước thời hạn”.

Qua các phong trào thi đua đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp mới ứng dụng hoạt động nghiệp vụ hiệu quả; xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến, những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua toàn ngành. Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đoàn kết, gắn với việc đánh giá, phân loại đơn vị và cá nhân. Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp ở vùng sâu, vùng xa.

Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngành BHXH giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, phấn đấu kết thúc giai đoạn đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH mức 85%.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt, góp phần đẩy lùi thông tin xấu, độc. Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, bảo đảm chất lượng khen thưởng trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, tiêu chuẩn, đối tượng; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc; đồng thời biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa trong cơ quan, toàn ngành và xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ngành BHXH cần tiếp tục phát huy thành tựu và những bài học kinh nghiệm đạt được trong 25 năm qua, tăng cường xây dựng Đảng bộ Cơ quan BHXH Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT để đây thực sự là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu phát triển BHXH, BHYT toàn dân; các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Trong đó, xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Qua phong trào thi đua, các cấp cần phát hiện đúng gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay, để bồi dưỡng và nhân rộng.

Đỗ Quyên