Cải cách môi trường kinh doanh:

Tiếp tục làm những việc chưa hoàn thành

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 06:56 - Chia sẻ
Nghị quyết 02 năm 2020 về cải thiện môi trường không dài nhưng đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm, đó là cần tiếp tục làm những việc chưa hoàn thành; kế thừa, phát triển kết quả đã đạt được; rút ra bài học đồng thời phải mở rộng nội dung Nghị quyết căn cứ vào những nội dung cải cách trong Văn kiện Đại hội Đảng", TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Không chỉ so ta với ta

Toàn cảnh Hội thảo Ảnh: Hạnh Nhung
Toàn cảnh Hội thảo
Ảnh: Hạnh Nhung

Tại hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021 - 2025” do CIEM tổ chức sáng 21.1, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhận định, các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, Nghị quyết 19 và 02 được xây dựng với cách tiếp cận dựa trên chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó tạo động lực cải cách trong nước, với các mục tiêu trọng tâm được điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Kết quả, hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều tăng điểm, như xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu, năng lực cạnh tranh du lịch, hiệu quả dịch vụ hậu cần… 

Bên cạnh đó, nỗ lực cải cách điều kiện kinh doanh cũng được ghi nhận. Giai đoạn 2017 - 2019 có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung này. Đến hết năm 2019 các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh được thống kê trước đó. “Hiếm nội dung cải cách nào lại được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như điều kiện kinh doanh, với sự tham gia của nhiều bên trong việc theo dõi, đánh giá”, bà Thảo nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế. Những chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường cũng gây ra nhiều khó khăn. 

Có cùng nhận định, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh đã có những thay đổi đáng kể. Nếu trước đây chỉ thường hay so sánh giữa ta với ta, thì bây giờ Việt Nam đã so sánh mình những nước đứng đầu ASEAN, đây là sự thay đổi tư duy lớn. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ rõ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức, cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng…

"Nỗ lực cải cách không chùng xuống"

	Nguồn Internet
Nguồn Internet

Nhằm nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn tới, tiếp ngay sau Nghị quyết 01/NQ-CP, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Tuy nhiên, Nghị quyết 02 "bị thắc mắc" khi chỉ dài 3 trang giấy. 

Giải đáp điều này, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khẳng định, nỗ lực cải cách không hề chùng xuống mà ngày một nâng cao. Nghị quyết 02 nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 02 năm 2019 và bổ sung 4 nhóm giải pháp. "Hiểu nôm na Nghị quyết 02 năm 2021 là tổng hợp Nghị quyết 02 năm 2019 cộng 4".

Cụ thể, 4 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Thứ hai, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ ba, thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: Đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Cuối cùng, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. 

"Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 thì điểm mấu chốt sắp tới chúng ta cần làm gì"? Nguyên Viện trưởng CIEM TS. Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề. Theo ông Cung, Nghị quyết 02 không dài nhưng đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm là cần tiếp tục làm những việc chưa hoàn thành; kế thừa, phát triển thêm những kết quả đã được; rút ra những bài học; đồng thời phải mở rộng thêm nội dung của Nghị quyết căn cứ vào những nội dung cải cách trong văn kiện Đại hội Đảng, nhất là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. 

TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, trọng tâm của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là phải tập trung xây dựng thể chế phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, thể chế cho kinh tế số... Những việc chưa làm được như bảo vệ tài sản, giải quyết tranh chấp kinh doanh của doanh nghiệp cần được quan tâm vì giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư và tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được mục tiêu đề ra. 

Năm 2021 nếu đạt kết quả tốt sẽ tạo niềm tin và nền tảng bứt phá cho cả kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm tiếp theo. Muốn vậy, cần có chính sách, giải pháp, thúc đẩy những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực, giúp nền kinh tế phát triển năng động hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. 

Hạnh Nhung