Hoạt động giám sát phải công khai, minh bạch
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các ĐBQH cơ bản nhất trí việc xây dựng dự án Luật là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo các đại biểu, quá trình thực hiện giám sát cho thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành còn nhiều bất cập trong thực tiễn, một số chế định chưa rõ, chưa cụ thể và rất chung chung. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật hiện hành đã bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát.
Theo đó, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: quy định theo hướng “2a. Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.”.
Phương án 2: quy định theo hướng “2. Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương".
Tán thành với Phương án 2, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, quy định như vậy là tương đối đầy đủ, thể hiện được nguyên tắc hoạt động giám sát phải công khai, minh bạch, bảo đảm các yêu cầu theo quy định pháp luật và thể chế.
Cùng quan điểm thống nhất chọn Phương án 2 bổ sung nguyên tắc mới như trong đề xuất của dự thảo Luật, ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nêu rõ, quy định như trên sẽ thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Cân nhắc kỹ tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn
Quan tâm đến nội dung bổ sung tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và nhóm vấn đề chất vấn và vấn đề được giải trình, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) chỉ rõ, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 1a vào các Điều 12, Điều 23, Điều 38, Điều 58, Điều 67 và Điều 80 của Luật hiện hành để quy định tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, HĐND và Thường trực HĐND, các Ban của HĐND.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi Điều 15, Điều 26, Điều 60 và Điều 69 để bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kỳ họp của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND.
Đồng thời, bổ sung khoản 1b vào Điều 38 và Điều 67 để quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và phiên họp của Thường trực HĐND.
Cơ bản tôi nhất trí với việc bổ sung quy định mang tính khái quát như trong dự thảo Luật, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là có cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chí và quy trình lựa chọn chuyên đề giám sát, nhóm vấn đề chất vấn và vấn đề được giải trình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý các tiêu chí để bảo đảm phù hợp với từng hoạt động giám sát, góp phần tạo sự thuận lợi trong quá trình thi hành Luật.
Đối với tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, dự thảo Luật quy định “Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước và những vấn đề khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tiêu chí và quy trình lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.”.
Băn khoăn về nội dung này, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, tiêu chí “xảy ra nhiều vi phạm pháp luật” cũng cần cân nhắc. Bởi, khi lựa chọn vấn đề chất vấn thì lúc đó chưa khẳng định được là đã xảy ra vi phạm pháp luật hay chưa? Còn nếu khẳng định việc xảy ra vi phạm pháp luật thì phải có các quy trình cụ thể theo các trình tự, thủ tục để có thể kết luận được rõ ràng vấn đề đó có vi phạm pháp luật.
Nhìn về hình thức hoặc qua phản ánh các thông tin chưa được đầy đủ thì chưa thể khẳng định vấn đề đó xảy ra nhiều vi phạm pháp luật. Khi các cơ quan đã kết luận vấn đề đã xảy ra vi phạm pháp luật thì lúc này việc lựa chọn các vấn đề chất vấn sẽ làm “nóng” dư luận và có thể phản tác dụng.
Phân tích như vậy, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định này cần sử dụng từ ngữ phù hợp để người được lựa chọn chất vấn không bị ảnh hưởng rằng “lĩnh vực này bị đưa ra chất vấn vì có nhiều vi phạm, có nhiều hạn chế”. Đối với người mà được lựa chọn chất vấn, từ trước đến nay vẫn sử dụng cụm từ là "người được lựa chọn chất vấn" chứ không sử dụng từ là "người bị chất vấn" như dự thảo Luật.
Đại biểu Lò Thị Luyến cũng nhấn mạnh, có những nội dung, lĩnh vực thông qua chất vấn sẽ trở thành một kênh truyền thông để dư luận, người dân nắm được thông tin, đây cũng là một điểm rất tốt. “Không phải nhất thiết tất cả các vấn đề mang ra lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề xảy ra nhiều vi phạm, còn tồn tại nhiều hạn chế. Khi lựa chọn lĩnh vực chất vấn, nội dung chất vấn và vấn đề chất vấn thì người chất vấn cũng phải mang một tâm thế bình đẳng”, đại biểu nói.