Dự Diễn đàn có: Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh… cùng đông đảo các đoàn viên, thanh niên tại 67 điểm cầu tại trụ sở các tỉnh đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, trong những năm qua, thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013 (văn bản luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020... và nhiều luật khác có liên quan.
Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về lao động, việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới giải quyết việc làm theo hướng bền vững cho người lao động nói chung, thanh niên nói riêng… Thông qua việc triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trên, công tác lao động, việc làm cho thanh niên đã đạt được những kết quả tích cực.
Lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, trên 29,3% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).
Hàng năm, thông qua các Chương trình/Đề án/Dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm nghìn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi; 70% lao động đi làm việc ở nước ngoài là thanh niên, tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế trong khi nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chi hơn 3%), một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 1524 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam (quý I.2023 là 7,61% (cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%)); bình quân trong 10 hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn. việc Kết nối cung – cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài những khó khăn, thách thức trên, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đề cập vấn đề phân công lao động quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ với những tiến bộ và đột phá trong khoa học, công nghệ, tạo ra những bước nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, đặt ra những yêu cầu về thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số. Việt Nam đang từ giai đoạn dân số trẻ chuyển sang giai đoạn dân số già... đã và đang đặt ra những cơ hội, thuận lợi kèm theo không ít khó khăn, thách thức đối với thanh niên.
Đứng trước những khó khăn thách thức ấy, TS. Nguyễn Hoàng Hà (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO) cho rằng, xu thế phát triển kinh tế xanh và kinh tế số đã mở ra những cơ hội việc làm mới, chuỗi giá trị mới. Tuy nhiên, xu hướng việc làm tại khu vực này đòi hỏi lao động ở trình độ chuyên môn cao, nắm bắt kỹ năng, công nghệ mới và chuyển đổi số nhanh. Vì vậy, chúng ta cần những chính sách nhằm trang bị cho thanh niên những công cụ, kỹ năng mới, kiến thức, cách thức làm việc mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp nhu cầu của việc làm xanh trong môi trường kinh tế xanh…
Tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La Cầm Thị Huyền Trang đặt ra những câu hỏi về những chính sách cho lao động khuyết tật là thanh niên, chính sách cho thanh niên là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Trả lời những thắc mắc này, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Quyên cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật có việc làm và được vay vốn ngân hàng, tiếp cận các nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp… Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành những Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có thanh niên là người dân tộc thiểu số được hưởng những ưu đãi như được hỗ trợ đào tạo việc làm, hỗ trợ kinh phí, trợ cấp, công cụ tìm kiếm việc làm, kết nối việc làm…