Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ nhiệm Đề tài và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Năm ngày 18.6.2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014 gồm 11 chương, 81 điều. Sau 10 năm triển khai thi hành, Luật đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cả về chính sách, pháp luật và đòi hỏi từ thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, bảo đảm tính thích ứng, kịp thời, phù hợp khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới, đặc biệt là các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...
Hội thảo được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phục vụ quá trình nghiên cứu và hoàn thiện Đề tài.
Các đại biểu dự Hội thảo thảo luận làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ; cơ sở chính trị, pháp lý hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay, trong đó có đánh giá về những hạn chế, bất cập của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và các quy định khác có liên quan. Các đại biểu cũng thảo luận chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam; từ đó, đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ; đề xuất phương hướng tiếp tục đổi mới chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.
Theo các đại biểu, những năm qua, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, nhờ đó kinh tế - xã hội của đất nước đã có những bước tiến đáng kể. Lĩnh vực khoa học công nghệ ở Việt Nam đã có những bước tiến bộ nhất định, chỉ số đổi mới sáng tạo hiện đang xếp hạng 44 trên hơn 130 quốc gia.
Một số ý kiến cũng chỉ rõ hạn chế, bất cập như: năng suất lao động còn thấp; doanh nghiệp trong nước ít quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn thấp, cơ cấu chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này còn thiếu về số lượng...
Để thúc đẩy phát triển mạnh khoa học và công nghệ, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, chú trọng đồng bộ các nhóm chính sách về đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phổ biến tri thức; phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ; sử dụng ngân sách, thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường khoa học công nghệ.