Tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến công

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:54 - Chia sẻ
Thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 theo Quyết định 1288 QĐ-TTg ngày 1.8.2014 của Thủ tướng (Quyết định 1288), 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của công nghiệp nông thôn. Tuy vậy, nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi cần sớm khắc phục, trong đó phải hoàn thiện chính sách để bảo đảm công tác khuyến công hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhiều kết quả tích cực

Giai đoạn 2014 - 2020, Sở Công thương các tỉnh miền Bắc đã tích cực triển khai chính sách khuyến công, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động…

Tại Bắc Ninh, tổng kinh phí hoạt động khuyến công giai đoạn này là gần 30,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 7,4 tỷ đồng, còn lại là của địa phương. Tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 1.900 lao động; hỗ trợ 118 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học công nghệ; tổ chức 7 hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, huyện…

Cũng trong giai đoạn này, khuyến công Quảng Ninh đã thực hiện 7 đề án về đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho khoảng 700 lao động; hỗ trợ 77 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng (trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 17 đề án với hơn 4 tỷ đồng)… Tổng nguồn vốn thực hiện khuyến công là gần 163 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp hơn 13,5 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tại Hà Nam, nguồn khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho 1 cơ sở xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu; hỗ trợ 22 cơ sở thực hiện 16 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các mặt hàng may mặc, gỗ mỹ nghệ, dệt, nông sản xuất khẩu với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức 1 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp - thương mại đồng bằng sông Hồng có quy mô 300 gian hàng, thu hút gần 200 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, doanh thu của các cơ sở tại hội chợ đạt khoảng 30 tỷ đồng… Ngoài ra, khuyến công Hà Nam hỗ trợ tổ chức 3 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (51 sản phẩm đạt cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm khu vực, 1 sản phẩm cấp quốc gia…).

Tuy vậy, theo đánh giá của các Sở Công thương các tỉnh miền Bắc, công tác khuyến công vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc tuyên truyền, hướng dẫn về hoạt động khuyến công chưa hiệu quả nên chưa thu hút được nhiều cơ sở công nghiệp tham gia. Các cơ sở công nghiệp nông thôn phần lớn có quy mô nhỏ, vì vậy chưa mạnh dạn đầu tư thay thế máy móc, thiết bị. Việc xây dựng kế hoạch và thẩm định cấp kinh phí khuyến công còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các đề án. Công tác khảo sát, lựa chọn đơn vị thực hiện, lập đề án và công tác thẩm định dự toán còn khó khăn từ phía doanh nghiệp, đôi khi chưa sát nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch khuyến công...

Khuyến công Quảng Ninh hỗ trợ ngành chế biến thủy sản  

Nguồn: ITN 

Cụ thể hóa tiêu chí máy móc, thiết bị được hỗ trợ

Đại diện các Sở Công thương đều cho rằng việc xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Qua đó thúc đẩy hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương; khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp…

Để hoạt động khuyến công giai đoạn mới hiệu quả hơn, Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình Hoàng Trung Kiên đề xuất, Bộ Công thương tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho địa phương để  có nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng chương trình. Bên cạnh đó, cần mở rộng các nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai các nội dung khác của Nghị định 45/2012; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh bổ sung, trong bối cảnh tỉnh đang tập trung cao độ cho việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nhưng ngân sách còn nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các huyện còn ít so với yêu cầu, Bộ Công thương cần quan tâm hỗ trợ các dự án này. Đồng thời, Bộ cần xem xét, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án như sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định máy móc, thiết bị được xem xét hỗ trợ để địa phương áp dụng…

Ngoài ra, các địa phương đề xuất Bộ Công thương tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký đề án kế hoạch khuyến công quốc gia. 

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình Bùi Đức Hạnh cho rằng sự hỗ trợ của UBND cấp tỉnh với khuyến công rất quan trọng. Theo đó, tỉnh cần tăng thêm nguồn kinh phí khuyến công; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác khuyến công.

Đ. Thanh