Tân Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH

Tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan dân cử

- Thứ Năm, 08/04/2021, 05:28 - Chia sẻ
Nhân dịp được Quốc hội tin tưởng giao giữ những trọng trách mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tân Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH chia sẻ về những thuận lợi có tính nền tảng cần kế thừa, phát huy trong nhiệm kỳ tới; về những công việc Ban Công tác đại biểu đang nỗ lực thực hiện để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra dân chủ, an toàn, tiết kiệm đúng pháp luật, thực sự là ngày hội lớn của Nhân dân. Đồng thời, nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống dân cử.

Thuận lợi có tính nền tảng

-  Xin bà cho biết những thuận lợi và khó khăn khi được tin tưởng đảm nhận cương vị quan trọng mới?

- Vinh dự với Ban Công tác đại biểu đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến nhiều nội dung. Tiếp đến là những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển của Ban trong gần 20 năm qua mà các thế hệ lãnh đạo Ban Công tác đại biểu đã để lại cho chúng tôi. Đây là những thuận lợi có tính nền tảng chúng tôi có được và cần kế thừa, phát huy những giá trị đó trong nhiệm kỳ tới.

Trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban, tôi đã có gần 1 năm gắn bó với Ban Công tác đại biểu với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực. Đây được coi là quá trình “thử việc” để tôi làm quen và thích nghi với vị trí mới. Bên cạnh việc được bổ nhiệm làm Trưởng ban Công tác đại biểu, tôi còn được Đảng phân công nhiệm vụ Phó Trưởng ban Tổ chức trung ương. Đây là yếu tố thuận lợi để Ban Công tác đại biểu kịp thời nắm bắt triển khai các chủ trương của Đảng để tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của Nhân dân và cử tri đối với công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao trong những nhiệm kỳ gần đây vừa là thuận lợi, vừa là động lực để chúng tôi cần có trách nhiệm cao hơn, cố gắng nhiều hơn trong quá trình tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu là cơ quan duy nhất có hai đơn vị chuyên môn trực tiếp tham mưu, giúp việc đó là Vụ Công tác đại biểu và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Cán bộ công chức của hai đơn vị đều trách nhiệm, mẫn cán, có kinh nghiệm lâu năm, có kỹ năng và mối quan hệ tốt với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, hiện nay biên chế của hai đơn vị còn ít so với khối lượng công việc được giao. Nhận thức được đây là yêu cầu chung khi cả nước nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII nên chúng tôi sẽ có kế hoạch xây dựng quy trình khoa học hợp lý, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý hồ sơ nhân sự; phối hợp với Văn phòng Quốc hội có cơ chế trưng tập cán bộ, công chức tại các đơn vị khác trong những đợt cao điểm như bầu cử, các kỳ họp Quốc hội có nội dung quyết định tổ chức, bộ máy, nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Đức Hiệp

Khi còn công tác tại Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Ninh Bình, tôi đã được làm việc trực tiếp với Ban Công tác đại biểu từ những Khóa XIII, XIV - thời kỳ chị Nguyễn Thị Nương, anh Trần Văn Túy làm Trưởng ban. Qua đó, tôi cảm nhận rõ vai trò của Ban Công tác đại biểu. Những vướng mắc khó khăn của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Ninh Bình đã được Ban Công tác đại biểu trao đổi và tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến rất kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Phát huy giá trị các thế hệ lãnh đạo Ban đã để lại từ nhiều nhiệm kỳ qua, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để làm tròn, làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự. Đồng thời, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tân Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH

 

Góp phần để cuộc bầu cử dân chủ, đúng pháp luật

- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Bà có thể cho biết công việc từ nay đến ngày bầu cử, đặc biệt những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu?

- Hướng tới ngày bầu cử 23.5 tới đây, công việc tiếp theo mà Ban Công tác đại biểu cần tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tập trung vào các nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ 3; gửi danh sách nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan trung ương giới thiệu về địa phương; công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; tiếp nhận hồ sơ và biên bản ngày bầu cử, xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh, phối hợp với các cơ quan trong giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự ứng cử; phối hợp với các tiểu ban hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử cũng như khi cuộc bầu cử được tổ chức; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử.

Với vai trò là cơ quan tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự, công việc của Ban Công tác đại biểu liên quan đến bầu cử sẽ tiếp tục đến khi Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV.

Tiếp đó, chúng tôi sẽ lên chương trình để tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu Quốc hội, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND, đặc biệt là các đại biểu lần đầu trúng cử và đại biểu chuyên trách.

- Thưa bà, được biết Ban Công tác đại biểu là cơ quan phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia xây dựng và tổ chức giám sát bầu cử. Xin bà cho biết, hiện nay hoạt động này đã được triển khai thế nào?

- Ban Công tác đại biểu đã tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch về việc triển khai giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3 đến trước ngày diễn ra bầu cử. Nội dung giám sát được Ban xây dựng bám sát vào tiến trình bầu cử để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của Nhân dân cả nước.

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức 5 đoàn giám sát tại 16 địa phương. Các nội dung giám sát tập trung vào công tác triển khai chỉ đạo bầu cử, việc thành lập ủy ban bầu cử, kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai. Dự kiến trong nửa đầu tháng 4 và tháng 5, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức 2 đợt giám sát. Mục tiêu là giám sát công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi toàn quốc và hoàn thành trước ngày 20.5 tới.

Khác với các nhiệm kỳ trước, một trong những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia quan tâm là công tác bảo đảm an toàn y tế trong tình hình nguy cơ dịch bệnh Covid vẫn có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua giám sát đợt 1, các địa phương đã chủ động phòng chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc Covid tại địa phương.

Cầu nối để truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của địa phương

- Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Công tác đại biểu đã đẩy mạnh phối hợp với HĐND các tỉnh, thành triển khai các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực. Để gắn kết hơn nữa với các cơ quan dân cử địa phương, Ban Công tác đại biểu sẽ có những dự định gì trong thời gian tới, thưa bà?

- Hội nghị Thường trực HĐND trong nhiệm kỳ này là hoạt động được coi là dấu ấn các lãnh đạo Ban thế hệ trước đã để lại và chúng tôi cần tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời gian tới. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động này bị gián đoạn, tuy nhiên nhiệm kỳ tới khi điều kiện dịch bệnh được kiểm soát chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND để duy trì việc tổ chức Hội nghị khu vực. Mong muốn chúng tôi đặt ra không chỉ là tạo một diễn đàn trao đổi giữa các địa phương, giữa các khu vực mà còn là cầu nối để truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của địa phương đến gần hơn các cơ quan Trung ương.

Bên cạnh tổ chức các hội nghị, chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu các ý kiến tại các Hội nghị khu vực về các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của HĐND nói riêng và các văn bản pháp luật khác. Khi làm được điều đó, chúng tôi sẽ tự tin với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tin tưởng giao cho - một cơ quan có sứ mệnh thiết lập và duy trì sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống dân cử của cả nước.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tập trung làm tốt các nhiệm vụ như tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn cho đại biểu dân cử; nghiên cứu xây dựng khung chương trình phù hợp với từng địa phương, từng thời điểm để hoạt động bồi dưỡng thực sự có hiệu quả, chất lượng.

- Xin cảm ơn bà!

THẢO NGUYÊN thực hiện