Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:46 - Chia sẻ
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo của PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU

Kính thưa các vị khách quý,
Thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Hội thảo Giáo dục năm 2019 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ban ngành Trung ương; các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà giáo, doanh nhân đã đến dự Hội thảo; xin gửi đến các quý vị, các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa quý vị đại biểu!

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, theo đó, phải ưu tiên để tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ trương này càng được quán triệt đầy đủ, để giáo dục và đào tạo thực sự là đòn bẩy của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là tiền đề quan trọng để tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Trong hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước hội nhập tích cực theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Trong thành quả chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Khánh Duy

Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu,

Trong các năm vừa qua, việc tổ chức Hội thảo giáo dục thường niên của  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã duy trì với từng chủ đề cụ thể, thiết thực và hấp dẫn: Năm 2017 là chủ đề “Về chất lượng giáo dục phổ thông”, năm 2018 là chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Các hội thảo này đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng bàn về những vấn đề cốt lõi của việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ những thành công của các Hội thảo trước, năm nay, tôi rất hoan nghênh việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Đây là chủ đề vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn từ Hội thảo này, các vị đại biểu sẽ có cái nhìn tổng thể, rõ nét hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; cùng tập trung phân tích kỹ nguyên nhân thành công cũng như hạn chế bất cập; đặc biệt là đề xuất nhiều giải pháp phù hợp và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.  

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo Giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

__________

(*) Đầu đề do báo Đại biểu Nhân dân đặt