Tiếp tục bế tắc

- Thứ Ba, 06/04/2021, 08:32 - Chia sẻ
Tổng thống Israel Reuven Rivlin vừa có cuộc họp tham vấn ý kiến lãnh đạo các đảng phái trước khi đưa ra quyết định chọn ai làm người đứng ra thành lập chính phủ sắp tới. Theo kết quả cuộc bầu cử lần thứ 4 trong vòng 2 năm qua diễn ra hôm 26.3, không đảng nào giành đủ đa số để thành lập chính phủ.

Vòng luẩn quẩn

Cụ thể, đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu và các đồng minh đã giành được 52/120 ghế của Quốc hội, trong khi liên minh các đảng đối lập giành được 57 ghế. Đảng cực hữu giành được 7 ghế, trong khi đảng Hồi giáo Ảrập giành được 4 ghế. Như vậy, không đảng nào giành đủ 61 ghế để chiếm đa số tại Knesset (Quốc hội). Nếu lãnh đạo đảng được chọn thành lập chính phủ không thể đàm phán liên kết với một số đảng khác để chiếm đủ 61 ghế, nguy cơ Israel buộc phải tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 5 hoàn toàn có thể xảy ra, đồng nghĩa với tình trạng bế tắc trên chính trường nhà nước Do Thái tiếp tục đi vào ngõ cụt.

Thực tế, 120 ghế Knesset được phân bổ trên cơ sở tỷ lệ thuận với các đảng giành được hơn 3,25% số phiếu bầu. Hệ thống này giúp bảo đảm rằng không đảng nào giành được đa số ghế, đồng thời giúp các đảng nhỏ có tiếng nói lớn hơn trong thực hiện các thỏa thuận hình thành một chính phủ liên minh. Nhờ vậy, Knesset sẽ đa dạng hơn về tiếng nói, song mặt khác lại rất khó để hình thành chính phủ liên minh ổn định.

Theo AP, sau mỗi cuộc bầu cử, tổng thống Israel có trách nhiệm chỉ định một lãnh đạo đảng để cố gắng tập hợp đa số cầm quyền. Quyết định đó thường rất rõ ràng, nhưng hiện nay Tổng thống Rivlin phải đối mặt với lựa chọn khó khăn do kết quả bầu cử phân tán vừa qua khiến Knesset bị chia rẽ giữa 13 đảng phái với những khác biệt lớn về hệ tư tưởng. Cả đồng minh và đối thủ của Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu đều không bảo đảm được đa số chính quyền. Vì vậy, số phận của ông có thể phụ thuộc vào Chủ tịch đảng Yamina, ông Naftali Bennett - vốn là cựu đồng minh cánh hữu mà Thủ tướng đang có quan hệ căng thẳng, và lãnh đạo đảng Hồi giáo Ảrập nhỏ, ông Mansour Abbas - người vẫn chưa cam kết ủng hộ hay phản đối khối chính trị của ông Netanyahu.

Thời gian qua, bất đồng nội bộ đã khiến Israel không có ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng về kinh tế và y tế công cộng sâu sắc nhất trong lịch sử, làm suy yếu kế hoạch kinh tế dài hạn, bao gồm cả việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Tình trạng trì trệ cũng trì hoãn việc bổ nhiệm các quan chức nhà nước chủ chốt, bao gồm công tố viên nhà nước và các quan chức cấp cao tại Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Đồng thời, các thành viên liên minh, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, đã bị buộc tội chính trị hóa việc ra quyết định của chính phủ. Ngoài ra, sự hỗn loạn chính trị của Israel còn đến từ những rắc rối pháp lý kéo dài của chính ông Netanyahu. Hiện nhà lãnh đạo này bị truy tố trong một số vụ án tham nhũng.

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trở lại hầu tòa trong khi các đảng phái chính trị cân nhắc ông có nên được thành lập chính phủ tiếp theo, hay từ chức do những cáo buộc tham nhũng. Ông Netanyahu hiện là Thủ tướng tại vị lâu nhất tại Israel, giữ chức vụ liên tục kể từ năm 2009 và vài năm trong những năm 1990. Cuộc tổng tuyển cử hôm 26.3 được coi như cuộc trưng cầu dân ý về khả năng lãnh đạo của ông nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.

Thủ tướng Netanyahu bị buộc tội nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong ba vụ án. Các vụ này liên quan đến việc ông bị cáo buộc nhận quà trị giá hàng trăm nghìn USD từ những người bạn giàu có, trong đó có cả nhà sản xuất phim Hollywood Arnon Milchan và tỷ phú người Australia James Packer, hay cố gắng dàn dựng đưa tin có lợi cho mình trên các tờ báo lớn và trang tin Walla News của Công ty Viễn thông Bezeq…. Thủ tướng Netanyahu đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, bác bỏ các cáo buộc chống lại mình, coi đây là một phần cuộc “săn phù thủy” của truyền thông và cơ quan thực thi pháp luật nhằm lật đổ ông. Phiên tòa của ông bắt đầu từ năm ngoái và có thể kéo dài thêm hai năm nữa.

Luật pháp Israel không yêu cầu thủ tướng phải từ chức khi đối mặt với cáo trạng, do đó ông Netanyahu đã từ chối làm như vậy. Tuy nhiên, điều này lại càng khiến đất nước bị chia cắt sâu sắc. Thực tế, một chính phủ đoàn kết khẩn cấp được thành lập vào năm ngoái để giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã sa lầy vào các cuộc cãi vã chính trị và tan rã trong chưa đầy một năm do không thể thông qua ngân sách.

Nguồn: AFP

Sẽ có cuộc bầu cử thứ 5?

Một cuộc khảo sát do Viện Dân chủ Israel thực hiện trong tháng 3 cho thấy, về khả năng tổ chức chính phủ mới, 1/3 công chúng Israel (32%) được hỏi nhận định, khối chính trị ủng hộ Thủ tướng Netanyahu có khả năng thành lập chính phủ liên minh cao hơn, trong khi 17% cho rằng khả năng khối phản đối ông Netanyahu thành lập chính quyền mới thực sự mạnh hơn. Ngoài ra, khoảng 15% tiên đoán cơ hội cho hai khối là ngang nhau, và gần 1/4 (24%) tỏ ra tin chắc cả hai khối sẽ không thể hình thành một liên minh khả thi.

Xét theo các phe phái chính trị, 45% người Israel cánh hữu đánh giá, Thủ tướng Netanyahu có cơ hội mạnh mẽ để thành lập một chính phủ liên minh ổn định, trái ngược với 25% trong số những người theo chủ nghĩa trung hữu và cánh tả tin tưởng vào việc hình thành một chính phủ liên minh trung tả. Dẫu vậy, bất chấp kết quả của cuộc khảo sát, đại đa số người Israel (80%) tin rằng một cuộc bầu cử lần thứ 5 sẽ xảy ra trong năm tới.

Ngọc Minh