Tiếp cận toàn diện, nhìn nhận thấu đáo để giữ gìn bản sắc lễ hội

Hoạt động lễ hội truyền thống đang dần đi vào nền nếp, song vẫn chưa được như kỳ vọng; theo PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cần có cái nhìn thấu đáo, phối hợp chặt chẽ để lễ hội giữ được bản sắc, mãi là một phần thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Hoạt động lễ hội phản chiếu xã hội

- Ông nhận xét gì về hoạt động lễ hội truyền thống thời gian gần đây?

- Trước hết, sự phát triển kinh tế và đô thị hóa đã làm thay đổi cách con người tiếp cận và thực hành các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội truyền thống. Khi đời sống vật chất được nâng cao, lễ hội không chỉ còn là không gian tâm linh hay sinh hoạt cộng đồng mà dần trở thành một sản phẩm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm lời. Thật đáng tiếc khi nhiều lễ hội không còn giữ được nét trang nghiêm, mà bị biến tướng thành những sự kiện chạy theo lợi nhuận, nơi dịch vụ ăn theo mọc lên dày đặc, từ bán hàng, đổi tiền lẻ đến cả việc "buôn thần bán thánh".

a7.jpg

Dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về hoạt động lễ hội, nhưng việc thực thi đôi khi chưa thực sự hiệu quả. Có những quy định còn chung chung, thiếu chế tài xử lý nghiêm minh, trong khi một số địa phương lại lúng túng trong cách vận dụng. Thực trạng mạnh ai nấy làm, tổ chức lễ hội theo kiểu tự phát, bắt chước mà không có quy hoạch bài bản đã dẫn đến sự lộn xộn, thiếu đồng nhất và đôi khi còn gây ra những tranh cãi về văn hóa, lịch sử.

“Ứng dụng công nghệ vào quản lý lễ hội là một xu hướng tất yếu. Với những lễ hội lớn thu hút hàng vạn người tham gia, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ vào công tác tổ chức, như đặt vé online, hướng dẫn tham quan bằng ứng dụng di động, hay thậm chí là sử dụng hệ thống giám sát để bảo đảm an ninh trật tự. Nếu biết tận dụng công nghệ, lễ hội không chỉ được tổ chức chuyên nghiệp hơn mà còn tạo ra trải nghiệm văn hóa hiện đại, hấp dẫn hơn cho du khách”.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Sự phục hồi một số lễ hội truyền thống sau nhiều năm gián đoạn cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc khôi phục lễ hội không đơn thuần là tái hiện những nghi thức cũ, mà còn cần sự nghiên cứu sâu sắc, tôn trọng bản sắc địa phương. Tôi thấy tiếc khi có những lễ hội truyền thống bị thay đổi đến mức mất đi tinh thần nguyên bản, chỉ còn là những màn trình diễn hào nhoáng, phô trương nhưng xa lạ với chính những người dân từng gắn bó với nó…

Những vấn đề trong tổ chức và quản lý lễ hội là sự phản chiếu của một xã hội đang đổi thay. Giữ gìn và phát huy giá trị lễ hội không phải là việc dễ dàng, nhưng nếu chúng ta có cái nhìn thấu đáo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các nhà nghiên cứu, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể gìn giữ được bản sắc văn hóa, để lễ hội mãi là một phần thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Nhận thức cộng đồng - yếu tố then chốt

- Cụ thể, theo ông, công tác quản lý nên thế nào để lễ hội giữ được bản sắc và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

- Để quản lý lễ hội hiệu quả hơn, chúng ta cần có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dựa vào các biện pháp hành chính mà còn phải đặt lễ hội trong bối cảnh phát triển bền vững của xã hội. Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn liên quan đến kinh tế, du lịch, tín ngưỡng và cả nhận thức cộng đồng. Vì vậy, việc quản lý lễ hội cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều bên, từ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, đến người dân và cả giới nghiên cứu văn hóa.

Trước hết, cần có quy hoạch tổng thể về lễ hội, đặt trong mối liên kết với các lĩnh vực khác như du lịch, giao thông, môi trường... Mỗi lễ hội cần xác định rõ mục đích, quy mô và phương thức tổ chức phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương. Việc tổ chức lễ hội không thể chỉ nhằm thu hút đông người tham gia hay tạo lợi nhuận trước mắt, mà cần hướng đến giá trị lâu dài, góp phần gìn giữ di sản văn hóa. Nếu có quy hoạch chặt chẽ, chúng ta sẽ tránh được tình trạng bắt chước, tổ chức lễ hội theo kiểu rập khuôn, mất đi nét đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.

a6.jpg
Lễ hội đền Sái, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, với lễ rước "vua sống" độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ảnh: An Thành Đạt

Bên cạnh đó, quản lý lễ hội cần có sự phối hợp liên ngành. Nếu chỉ giao phó toàn bộ việc quản lý lễ hội cho ngành văn hóa, thì sẽ rất khó kiểm soát hết tác động của nó đến đời sống xã hội. Chẳng hạn, các vấn đề an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, hay thậm chí là phòng chống cháy nổ trong lễ hội đều cần sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau. Vì thế, nếu có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, mỗi lễ hội sẽ được tổ chức bài bản hơn, hạn chế tối đa bất cập như ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, hay tình trạng "chặt chém" du khách.

- Vai trò của người dân địa phương trong tổ chức và quản lý lễ hội thì sao, thưa ông?

- Đây là một giải pháp rất quan trọng. Lễ hội vốn dĩ thuộc về cộng đồng, nhưng hiện nay, không ít lễ hội đang bị thương mại hóa hoặc bị chính quyền can thiệp quá sâu, khiến người dân dần mất vai trò chủ thể. Tôi nghĩ rằng, nếu để chính cộng đồng địa phương tham gia vào ban tổ chức lễ hội, họ sẽ có ý thức giữ gìn bản sắc và điều chỉnh các hoạt động lễ hội một cách phù hợp. Khi người dân thực sự có quyền quyết định, họ sẽ tự ý thức hạn chế thương mại hóa, loại bỏ những hủ tục và bảo vệ môi trường lễ hội.

Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt để quản lý hoạt động lễ hội hiệu quả. Chúng ta có thể ban hành nhiều quy định, áp dụng nhiều chế tài, nhưng nếu người dân không thay đổi nhận thức, thì những vấn đề như mê tín dị đoan, thương mại hóa thái quá hay tình trạng lộn xộn tại các lễ hội vẫn sẽ tiếp diễn. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lễ hội và văn minh khi đi lễ hội trong trường học, trên các phương tiện truyền thông để mọi người hiểu rõ ý nghĩa thực sự của lễ hội và có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị.

Lễ hội không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là một phần của đời sống hiện đại, và chỉ khi chúng ta quản lý hài hòa thì lễ hội mới thực sự phát huy được giá trị và tồn tại bền vững trong lòng người dân, cộng đồng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn hóa - Thể thao

Cục Di sản văn hóa đề nghị Bắc Giang kiểm tra thực tế di tích chùa Vẽ sau vụ cháy
Văn hóa - Thể thao

Cục Di sản văn hóa đề nghị Bắc Giang kiểm tra thực tế di tích chùa Vẽ sau vụ cháy

Chiều tối 10.2, liên quan đến vụ cháy tại di tích quốc gia chùa Làng Vẽ (phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành đã ký Công văn số 101/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang yêu cầu đề xuất phương án xử lý.

Đường thêu nét nhuộm kể vàng son
Văn hóa - Thể thao

Đường thêu nét nhuộm kể vàng son

Từ những tấm lụa, sợi tơ nhuộm sắc màu tự nhiên, từng đường kim như nét vẽ tinh tế, tạo nên bức tranh sống động mang đậm hồn Việt. Qua thời gian với những thăng trầm, di sản nghề thêu đang được khôi phục và kết nối mạnh mẽ trong thực hành nghệ thuật đương đại.

Khai mạc Báo xuân Bắc Giang Ất Tỵ năm 2025
Văn hóa

Khai mạc Báo xuân Bắc Giang Ất Tỵ năm 2025

Sáng 9.2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang phối hợp phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Sơn Động tổ chức khai mạc Báo xuân Bắc Giang Ất Tỵ năm 2025.

Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới
Văn hóa - Thể thao

Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới

Ngày 14.2.2025, tại Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra Lễ đón nhận làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới và Sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, năm 2025.