Tiếp cận thông tin từ "chuyên gia" khi nào?

Hà An thực hiện 24/03/2016 11:47

(ĐBNDO)- Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Đại biểu nhân dân liên quan đến những thông tin mà công dân không được tiếp cận trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, dự thảo quy định, công dân không được quyền tiếp cận thông tin từ ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách là phù hợp.

- Có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin chỉ quy định là công dân có quyền tiếp cận thông tin là chưa bao quát hết mà cần bổ sung cả đối tượng là pháp nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PCN Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, về thông tin thì ai có nhu cầu thì tiếp cận kể cả cá nhân và thể nhân. Nhưng pháp nhân có muốn tiếp cận thì cũng phải thông qua con người cụ thể. 

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân. Mục đích của luật này là cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân được ghi trong Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp đã quy định công dân được quyền tự do tiếp cận thông tin, do đó, luật này hướng tới đối tượng là cá nhân cụ thể là công dân mà không hướng tới đối tượng là pháp nhân. Pháp nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Việc dự thảo luật quy định quyền tiếp cận thông tin là của công dân là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Dự thảo luật lần này chủ yếu thể chế hóa quyền của công dân chứ không phải là cụ thể hóa tất cả quyền của các cá nhân. Đành rằng, các cá nhân đều có quyền tiếp cận thông tin nhưng mức độ của nó có khác nhau nên chủ yếu hướng đến là công dân Việt Nam. Vì vậy, đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là cá nhân mà không phải là pháp nhân là phù hợp.  

Việc công chúng tiếp cận với ý kiến chuyên gia có thể góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội hoặc tạo tiền đề cho các tranh luận, phản biện  tích cực... Với góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự án luật này, những giới hạn đặt ra trong vấn đề này nên hiểu như thế nào, thưa ông? 

Theo chương trình, chiều 24.3, QH thảo luận tại Hội trường về một số ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin; sáng 6.4, QH biểu quyết thông qua dự án Luật Tiếp cận thông tin.

PCN Lê Minh Thông: Tôi cho rằng cần phải phân biệt khái niệm “chuyên gia”. Có hai khái niệm, một là những chuyên gia được giao nhiệm vụ hoạch định một chính sách thì những vấn đề đang hoạch định chính sách đó là thuộc bí mật. Vì chuyên gia khi ấy chưa phải là cơ quan có thẩm quyền, họ chỉ là người được giao thực hiện nhiệm vụ đó. Những ý kiến của chuyên gia khi đó là chưa chính thức, nếu để “loang” ra ngoài thì có thể sẽ tác động rất lớn tới xã hội. Cho nên, những thông tin đó thì công dân không được tiếp cận.

Còn đối với chuyên gia góp ý phản biện, góp ý vào các chính sách đã được công bố thì đó là việc khác. Ý kiến của chuyên gia khi ấy thì không thuộc đối tượng công dân cấm tiếp cận thông tin của luật này. Ví dụ như kiến chuyên gia trong việc đóng góp ý kiến vào dự thảo luật thì hay quá, không có lý gì mà công dân lại không có quyền tiếp cận. Với những thông tin liên quan đến phản biện này thì công dân có thể “thoải mái” tiếp cận.

Ở đây, dự án Luật này khi đề cập đến “ý kiến chuyên gia” là nói đến một dự án cụ thể, một đề án cụ thể, liên quan đến chính sách chưa được cơ quan thẩm quyền quyết định. Nếu công bố ý kiến chuyên gia trong trường hợp này thì có thể sẽ tác động không có lợi cho xã hội. Vì vậy, cần phải phân biệt “ý kiến chuyên gia”. Từ cách hiểu này, tôi cho rằng, việc dự thảo luật quy định thông tin công dân không được tiếp cận trong đó có “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách” là hoàn toàn phù hợp. 

- Thưa ông, nếu thông tin mật mà  không xác định đúng, không được giải mật kịp thời có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin. Như vây có bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp chưa? 

Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

PCN Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, dự thảo luật này là một bước quan trọng, chứ chúng ta cũng chưa thể giải quyết hết được tất cả các vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. Vì nếu muốn giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận của công dân thì chúng ta phải sửa đổi hoặc nâng Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước lên thành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì mới tương xứng với quyền tiếp cận thông tin không bị hạn chế hay là thông tin mật.

Hiện nay, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đang có hiệu lực, do đó, dự thảo luật này chỉ là một bước để hoạch định phạm vi thông tin mà công dân không được tiếp cận. Do đó, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp thì cần phải có sự tương đồng trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Điều này cần phải được tiếp tục hoàn thiện khi chúng ta nâng Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước thành luật.

- Xin cảm ơn Ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiếp cận thông tin từ "chuyên gia" khi nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO