Người dân là trung tâm phục vụ
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có nhiều điểm mới quan trọng về hình thức, nội dung và nguyên tắc triển khai thực hiện. Các nguyên tắc đề ra trong Quyết định nhằm hướng tới người dân là trung tâm phục vụ, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật; gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để tổ chức thực hiện văn bản này, ngoài Thông tư hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1320/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; gắn nội dung và nhiệm vụ thực hiện Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân với thực hiện các nhiệm vụ của Quyết định. Đồng thời, tổ chức thông tin, truyền thông về ý nghĩa, mục đích và nội dung của các văn bản; xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; theo dõi, kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định trên thực tế để có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; nghiên cứu xây dựng, quản lý, hướng dẫn vận hành phần mềm đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Bộ Tư pháp đã chú trọng thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức biên soạn, in ấn hàng nghìn cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật; biên soạn một số tài liệu pháp luật; xây dựng video bài giảng điện tử theo chuyên đề hướng dẫn triển khai Quyết định số 25.
Khẳng định các quy định của Quyết định số 25 và hướng dẫn của Bộ Tư pháp đã khá rõ, cụ thể, phù hợp hơn nên thuận tiện cho việc áp dụng và thực hiện (quy trình, tiêu chí, điểm số…); theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang, ngay từ năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 Chỉ thị quan trọng là Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; Chỉ thị số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động tiếp cận pháp luật của người dân.
Bên cạnh đó, nhận thức về công tác đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng cao; việc thực hiện tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp; các điều kiện về nguồn lực, kinh phí cơ bản được bảo đảm.
Bảo đảm thực chất và hiệu quả
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, song, qua theo dõi, kiểm tra của Bộ Tư pháp, việc triển khai các tiêu chí tiếp cận pháp luật còn có không ít tồn tại, hạn chế. Việc tổ chức, thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu; chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tại một số nơi còn hình thức, không có đầy đủ tài liệu kiểm chứng cũng như kết quả thực hiện; chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; nhân lực đảm nhiệm công tác này còn kiêm nhiệm…
Tại một số nơi, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập; công chức chuyên môn còn lúng túng trong việc theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số đơn vị trong triển khai nhiệm vụ còn chưa đầy đủ; số liệu, thông tin giữa báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn và tài liệu đánh giá, minh chứng cho các chỉ tiêu, tiêu chí được lưu trữ còn chưa thống nhất; một số chỉ tiêu, tiêu chí thiếu tài liệu kiểm chứng; một số địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí riêng cho công tác này. Bên cạnh đó, cũng có nơi chưa rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ…
Để công tác tiếp cận pháp luật thực sự là đòn bẩy trong tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở, nâng cao trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như có các biện pháp xử lý đối với các trường hợp đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn chưa bảo đảm theo quy định. Đồng thời, tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức; bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xã hội hóa, thu hút đội ngũ có kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ; tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế chính sách về tiếp cận thông tin.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đánh giá thực chất và hiệu quả, các xã phải ban hành quy chế cung cấp thông tin nội bộ; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức xã để hiểu rõ nhiệm vụ của mình, hiểu đúng quy định của pháp luật (loại thông tin nào phải cung cấp, phải công khai, bằng hình thức nào, thời hạn cung cấp thông tin, thời hạn công khai thông tin…). Đặc biệt, tăng cường cung cấp thông tin qua mạng; trang bị thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp thông tin; phổ biến pháp luật để người dân hiểu yêu cầu cung cấp thông tin, công khai thông tin là quyền của mình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về cung cấp thông tin…