Tiếng thét

Trang Thanh Hiền 04/08/2014 08:26

Tiếng thét (The Scream) của Edvard Munch hầu như không đẹp về mặt thị giác, nhưng sự ra đời của nó lần đầu tiên năm 1893 và sau đó là 4 phiên bản được vẽ đến tận năm 1910 đã làm thay đổi và mở ra chiều kích mới cho nghệ thuật hội họa.

Tiếng thét, sơn dầu của Edvard Munch, vẽ năm 1893, kích thước 91x73,5cm, được lưu tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy
Tiếng thét, sơn dầu của Edvard Munch, vẽ năm 1893,
kích thước 91x73,5cm, được lưu tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy
Tất cả các tác phẩm đều tập trung vào một nhân vật đứng bên thành cầu trong tâm trạng đầy lo âu, tuyệt vọng. Hai tay người này ôm lấy đầu và chiếc miệng đang mở lớn, mà người ta cảm thấy như nghe thấy tiếng thét rú lên từ đó. Trong không gian rực đỏ phía sau của nền trời, màu xanh đen ngăn ngắt của dòng nước phía dưới chân cầu như chụp lên đầu nhân vật, tạo nên cảm giác rờn rợn rõ ràng.

Điều khiến bức tranh trở nên nổi tiếng có lẽ không phải vẻ đẹp của nó mà là bút pháp biểu hiện Edvard Munch tạo ra. Nhân vật trung tâm hầu như chỉ được diễn tả bằng nét sơ sài. Toàn bộ mặt tranh là các nét vẽ san sát nhau uốn lượn như một mạng lưới chằng chịt nhưng có hệ thống. Không chỉ vậy, đường chéo của cây cầu như cắt ra một góc tam giác của bức tranh - điều hầu như tối kỵ trong các nguyên tắc của hội họa cổ điển. Tuy nhiên, đường chéo chướng mắt đó lại như tạo ra các nét lao vào mắt người xem. Do vậy, nhân vật đang ôm đầu đứng ở điểm nút của đường lao này càng trở nên tâm trạng. Thêm vào đó, khuôn mặt biến dạng của nhân vật chính càng cho người xem cảm giác ma quái. Bầu trời nằng nặng với những nét ngang chắn toàn bộ một phần ba tranh ở phía trên càng gây ra cảm giác u ám đáng sợ. Tiếng thét như nỗi đau từ tận đáy lòng cất lên nhưng bị chặn lại trong không gian tù đọng.

Có thể thấy cái Munch muốn chú tâm thể hiện ở đây không phải hiện thực như người ta mong muốn nhìn thấy. Tất cả đều xấu xí. Nhưng rõ ràng bằng đường hướng của các nét trong thủ pháp diễn tả, ông đã tạo nên ấn tượng đánh mạnh vào thị giác và cảm xúc của con người. Chính điều đó đã khiến ông trở thành một trong những họa sỹ hàng đầu của trường phái Biểu hiện. Và Tiếng thét cũng trở thành họa phẩm tiêu biểu cho sự biểu cảm tinh thần trong nghệ thuật.

Hiện nay, các tác phẩm Tiếng thét của Edvard Munch với những chất liệu khác nhau được lưu giữ như báu vật trong bảo tàng. Bản tranh sơn dầu (1893) được lưu tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy ở Oslo. Bảo tàng Munch giữ bản in đá năm 1910 và một bản phấn màu. Bản thứ tư bằng phấn màu vẽ năm 1895 cũng là bản đặc biệt nhất có lưu bút bài thơ do chính Edvard Munch viết, được bán cho một doanh nhân giấu tên với giá 120 triệu USD năm 2012. Bài thơ này được tạm dịch: Tôi đang đi trên đường cùng hai người bạn/ Hoàng hôn, bầu trời chuyển sang màu đỏ như máu/ Bỗng tôi thấy chán nản/ Đứng lại, tôi cảm giác mệt mỏi vô cùng/ Cả thành phố như chìm trong máu và lửa/ Các bạn tôi đã đi trước/ Chỉ còn mình tôi run rẩy, sợ hãi/ Tôi nghe như có tiếng thét lớn trong thiên nhiên - Em.

Có thể nói Tiếng thét là một trong những tác phẩm đầy tâm trạng về sự bế tắc và phản kháng của chính tinh thần con người. Mặc dầu chỉ là những nét phác họa đầy ma mị, nhưng nó đã toát lên được bản chất của hội họa. Bởi vậy, không phải bỗng nhiên tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng cho không ít nghệ sỹ các thế hệ sau Munch. Đến nay nó vẫn tiếp tục là cảm hứng cho nhiều nhà làm phim trên thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiếng thét
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO