Tiếng nói cơ sở: Để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển
Ngoài việc tiếp sức cho người dân về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực nông thôn, các khu vực có điều kiện khó khăn. Tỉnh coi đây là “cánh cửa” mở ra những cơ hội về giao thương, phát triển sản xuất, kéo gần khoảng cách giữa các vùng, miền, địa phương; để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển.
Tiếp động lực, khát vọng vươn lên
Từng là một hộ nghèo xã Hà Lâu (nay là xã Điền Xá), anh Trần Văn Hoan giờ đây đã có cuộc sống ổn định với nhà cửa khang trang và thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình nuôi gà Tiên Yên. Anh chia sẻ, sự hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật của chính quyền các cấp đã giúp gia đình anh từng bước vươn lên. "Từ thoát nghèo đến có một cơ ngơi như hiện nay, ngoài vốn liếng, tôi luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương thông qua các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống đầu vào, xây dựng thương hiệu, kết nối đầu ra. Nhờ đó, gia đình yên tâm phát triển kinh tế," anh Hoan phấn khởi nói.

Không chỉ hộ anh Trần Văn Hoan, trên khắp các xã, phường, đặc khu của Quảng Ninh hôm nay, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, câu chuyện về những mô hình vươn lên ổn định cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh là minh chứng cho hiệu quả từ những chính sách đúng đắn của tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo chính là đòn bẩy mạnh mẽ nhất.
Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo toàn tỉnh đạt 83,79 triệu đồng/người/năm ( tăng gần gấp đôi so với năm 2020). Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương; chỉ còn 8 hộ nghèo theo chuẩn nghèo riêng của tỉnh, đều là hộ DTTS, tỷ lệ hộ cận nghèo DTTS còn 0,31%
"Cánh cửa" hạ tầng mở ra tương lai tươi sáng
Ngoài việc tiếp sức cho người dân về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…, Quảng Ninh còn tập trung đầu tư hạ tầng cho khu vực nông thôn, các khu vực có điều kiện khó khăn. Tỉnh coi đây là “cánh cửa” mở ra những cơ hội về giao thương, phát triển sản xuất, kéo gần khoảng cách giữa các vùng, miền, địa phương trong toàn tỉnh.
Cuối năm 2024, tuyến đường tỉnh lộ 31 cũ nối xã Đoàn Kết với xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (nay là đặc khu Vân Đồn) đoạn qua thôn Khe Ngái được đầu tư xây dựng mới. Với mặt đường rộng, trải asphalt cùng hệ thống chiếu sáng cao áp, tuyến đường khi đưa vào sử dụng mang lại nhiều niềm vui cho bà con nhân dân trong thôn. Ông Nguyễn Duy Công (người dân thôn Khe Ngái) cho biết, nhờ nguồn lực đầu tư của nhà nước, tuyến đường khang trang, rộng rãi hoàn thành giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn.

Với hàng chục hộ dân ở xóm Lâm Nghiệp, thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long (nay là xã Lương Minh), công trình đập tràn và đường liên xóm Lâm Nghiệp - Khe Lạn tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024 vừa qua đã thỏa niềm mơ ước đã từ rất lâu. Từ một địa bàn thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ, công trình đi vào vận hành đã giúp người dân đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn, mở ra nhiều cơ hội để phát triển.
Cùng với giao thông, hạ tầng thiết yếu khác, như: viễn thông, điện, nước ngày càng được củng cố, nâng cấp... Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã triển khai 842 dự án hạ tầng thiết yếu, với tổng vốn đầu tư hơn 118.100 tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Đến nay tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G đạt 100%; 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ 100% thẻ BHYT cho hơn 70.000 người DTTS tại các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025…
Kiên trì mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền trong tỉnh, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU với các nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản trị và cung cấp dịch vụ công ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Mục tiêu là để mỗi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, sống ấm no, hạnh phúc.