Đời sống

Tiếng nói cơ sở Cần cơ chế, chính sách tiếp tục hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo

Đào Cảnh 30/06/2025 18:32

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án hỗ trợ sinh kế đã giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nâng cao thu nhập, thoát nghèo, cận nghèo. Trong giai đoạn 2026 - 2030, huyện Mường Lát đề nghị, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình để các hộ này tiếp tục cố gắng vươn lên, hạn chế tái nghèo.

Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm

Theo đánh giá của UBND huyện Mường Lát, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Do đó, công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước.

nghi-quyet-muong-lat-3-1678550538858661049449.jpg
Người dân ở Mường Lát đã, đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mỹ Hạnh

Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình với sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, Mường Lát đã đạt được nhiều thành quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững. Toàn huyện có 1 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo an cư, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 1.376 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; trong đó, xây mới là 608 căn, sửa chữa là 768 căn. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện Mường Lát cũng được đầu tư theo hướng kết nối, đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Theo UBND huyện Mường Lát, thành công nhất trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là đã làm thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con Nhân dân. Huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, ngày càng nhiều các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả mang lại kinh tế cao, như: mô hình trồng sắn gắn liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, vịt siêu trứng, nuôi ếch thương phẩm, chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương, trồng cây trẩu, trồng dưa hấu... Các mô hình đã tạo sinh kế, hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện Mường Lát cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình, như: việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm so với yêu cầu; huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải; kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…

177d6094658t9255l2-12.jpg
Người dân huyện Mường Lát học tập mô hình trồng rau sạch. Ảnh: Thiện Nhân

Bên cạnh đó, Mường Lát là huyện nghèo, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo lớn; nguồn ngân sách địa phương chủ yếu phụ thuộc cấp trên và nguồn huy động xã hội hóa, nguồn đối ứng còn có mặt hạn chế. Chưa kể, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động hoặc có trình độ hạn chế, không có nguồn lực đối ứng để tiếp cận chương trình.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030, huyện kiến nghị chuẩn nghèo giai đoạn 2026 - 2030 cần phù hợp với các tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình về BHYT, miễn giảm học phí, vay vốn… để các hộ này có cơ hội hưởng lợi, góp phần hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương cần có sự thống nhất trong quá trình soạn thảo ban hành văn bản, chỉ đạo, điều hành và phối kết hợp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi, Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều bộ, ngành cùng chủ trì thực hiện các dự án/tiểu dự án nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chưa thống nhất, có sự chồng chéo trong quá trình triển khai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiếng nói cơ sở Cần cơ chế, chính sách tiếp tục hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO