Tiếng làng trong ban mai phố

Tạ Mỹ Dương 14/02/2018 11:26

(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Một cái gì đó vừa mơ hồ vừa rõ rệt đã bị mất đi, đấy là cái âm thanh của sự sống bình thản nhưng có dưỡng khí thời gian khó, thứ làm người ta vượt lên trên hết sự nghèo khó, đau khổ để sống, để tồn tại mà không quá u buồn. Cái âm thanh có tiếng người hỏi han chèo kéo, và trong đó có cái tiếng chó sủa vừa trong tình trạng cảnh giới, lại vừa trong lúc tiếp đón “người ngay” mà chả ai bận lòng...

Xưa ở làng mỗi sớm mai thức dậy nhờ tiếng con gà te te gáy. Bây giờ giữa trung tâm thành phố lại bị dựng dậy mỗi sáng bằng những tiếng sủa ầm ĩ của lũ chó nhà, đua cùng bầy đàn bên nhà hàng xóm. Xen lẫn tiếng lao xao của người, tiếng nói chuyện, tiếng cãi nhau và tiếng rao vọng lên từ dưới đường trong con phố hẹp.

Ở thành phố lúc này nhiều nhà nuôi chó. Khi những âm thanh của giàn karaoke từ thành phố ồ ạt đổ về các miền quê, chui vào từng xóm nhỏ vốn đang yên tĩnh từ ngàn năm, thì tiếng chó sủa lại ầm ầm kéo nhau ra phố. Cái tiếng chó sủa năm nào ở làng dễ chịu biết bao thì hôm nay lại thành một thứ âm thanh nhức đầu trong lòng phố thị. Thành cái sự bực dọc của những người đang muốn tận hưởng sự yên tĩnh đầu tiên của một ngày mà buổi sáng mang đến.

Minh họa của Nhật Song
Minh họa của Nhật Song

Cũng như nhiều làng quê khác, làng quê tôi nhà nhà nuôi chó. Quê nghèo xóm nhỏ, những đứa trẻ cởi truồng và những con chó chạy lông nhông. Hồi đấy cơm cho người còn chả đủ, lấy đâu cho chó. Mỗi sáng ra, bà bác nhai vội miếng cơm rồi mớm cho đứa con còn ẵm ngửa. Lúc sau vén áo nâng đùi ông con giai “xi” ngay đầu hè là con “vàng” chạy đến, chỉ nhoằng vài liếm là sạch sẽ ngay cho thằng bé, rồi đặt lên võng đung đưa.

 “Những khuya về sáng, trong cái mênh mông tĩnh mịch của đêm, một tiếng chó sủa xa xôi vọng lại từ phía đầu làng, có cảm giác không gian như được thu hẹp lại. Bao nỗi buồn, nỗi nhớ lại trào lên...”

Làng nghèo nhưng thật lạ, trong cái thế giới nhỏ bé ấy cứ trùm lên không khí của một đời sống ấm áp, nhiều âm thanh. Khách đến nhà thay cho tiếng chuông gọi cửa là tiếng gọi chủ nhà ra “đuổi chó” đón khách. Chủ cầm cái gậy ra khua khua dọa dọa, khách đến nhà ai cũng có cái gậy đi theo.
Người quê nuôi chó có lẽ để giữ nhà phần nhiều, đơn giản vậy thôi. Họ ăn thịt chó với niềm khoái khẩu cực độ, có lẽ về sau mới theo dòng người di cư lan ra thành phố. Chứ cái “tình cảm đặc biệt” như kiểu “Lão Hạc” của ông Nam Cao dành cho chó chắc cũng có nhuốm tí màu hơi “tiểu tư sản” thành thị rồi.

Đi trong làng thời ấy, nghe tiếng gọi nhau ời ời, tiếng chào hỏi ríu rít, tiếng chó sủa râm ran trong từng ngõ xóm, trên con đường ngoằn ngoèo lát gạch thẻ, len lỏi giữa những liếp nhà xiêu vẹo, lúp xúp mái tranh, thì cho dù giữa những tháng ngày bom rơi đạn nổ vẫn thấy lòng yên tĩnh lạ.

Những khuya về sáng, trong cái mênh mông tĩnh mịch của đêm, một tiếng chó sủa xa xôi vọng lại từ phía đầu làng, có cảm giác không gian như được thu hẹp lại. Bao nỗi buồn, nỗi nhớ lại trào lên.

Chiến tranh, trai làng ra trận, những người vợ vắng chồng, mẹ già xa con, tiếng chó sủa lúc nửa đêm làm họ tỉnh giấc, ôi chao là buồn!

Giờ về làng, cảnh vật nhiều thay đổi, thậm chí cảnh quan chung gần như đã bị xóa sạch. Chỉ còn ấn định vị trí và kích thước của mỗi căn nhà trong “sổ đỏ” của từng hộ gia đình. Nhà cửa, đất đai, những mảnh sân vườn đã được chia cắt ra nhiều phần nhỏ cho mỗi thành viên xây nhà. Cổng tam quan nhiều làng không còn nữa, ao làng bị lấp để xây nhà tầng. Những bụi tre xanh rì cũng không còn thấy nữa.

 Nhưng cảm giác ngẩn ngơ trong lòng chính là sự vắng lặng. Một cái gì đó vừa mơ hồ vừa rõ rệt đã bị mất đi, đấy là cái âm thanh của sự sống bình thản nhưng có dưỡng khí thời gian khó, thứ làm người ta vượt lên trên hết sự nghèo khó, đau khổ để sống, để tồn tại mà không quá u buồn. Cái âm thanh có tiếng người hỏi han chèo kéo, và trong đó có cái tiếng chó sủa vừa trong tình trạng cảnh giới, lại vừa trong lúc tiếp đón “người ngay” mà chả ai bận lòng.

Có lần về quê một người bảo, “chả hiểu sao bây giờ có đợt cứ nuôi chó là chó chết”. Họ cho rằng tại đất ở làng bây giờ bị ngấm nhiều thuốc trừ sâu, diệt cỏ theo mạch nước từ ruộng chảy vào. Có người thì bảo tại “vía” của cánh lái chó từ chợ tỉnh về.

Lái chó thì đã đành, thì người ta nuôi chó để cung cấp cho tỉnh thành như một nguồn thực phẩm đắt giá. Chó bỗng trở nên quý, khan hiếm hơn ở cái công dụng ấy. Nên thành ra có nạn “trộm chó”, đến mức thành phẫn uất, thành giết người vì con chó...

Nhớ năm nào, khi còn khu “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó Nhật Tân” trên đê sông Hồng, những chiều giáp Tết, đi dọc bờ đê về phía ngoại thành, nơi có những vườn đào đang nở rộ, những nụ đào ẩn hiện trong màn sương, và khói. Những đụn khói nghi ngút bốc lên từ những cái hỏa lò, trong làn không khí ẩm ướt ngan ngát hương mùa xuân đang về bỗng cảm thấy vương vướng một cái gì đó trong cổ họng, chỉ vì cái mùi khen khét đâu đó đưa ra từ những con chó đang bị thui.

Bỗng thấy những nụ đào nặng trĩu trong mưa xuân.

Và hôm nay, nghe tiếng chó sủa vọng lên từ sân nhà hàng xóm giữa lòng phố thị thay cho tiếng gà gáy lúc ban mai, dù hơi khó chịu vẫn thấy biết ơn. Vì nó như là một sự “đánh thức”, không dịu dàng nhưng đã giúp ta được “trở về ngày xưa” trong một đời sống thực tại không thể tránh né và cần thích ứng. Lan man nghĩ thế, nên dù ồn ào, nhưng buổi sáng vẫn luôn là một ban mai để tận hưởng, để có nguồn sinh khí cho sự khởi đầu một ngày đáng sống!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiếng làng trong ban mai phố
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO