Tiếng gọi từ cuộc sống!

- Thứ Tư, 26/05/2021, 06:37 - Chia sẻ

Đất nước đang bước sang trang mới với khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng, hùng cường!

Rất mừng một tư duy quyết liệt đổi mới để hội nhập nhanh càng sáng rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lý luận sắc bén với cách nhìn biện chứng được “soi” trong thực tiễn cuộc sống sinh động đã đi vào trong mọi văn bản chỉ đạo từ vĩ mô. Người đứng đầu Chính phủ vừa quyết định dồn nguồn lực cho những dự án mang tầm cấp thiết quốc gia, kiên quyết cắt bỏ hàng nghìn dự án chưa cần thiết đã đi trúng lòng dân, được dư luận xã hội rất đồng tình!

 Lãnh đạo từ vĩ mô đã “đột phá” thẳng vào những “điểm nghẽn, nút thắt” để đường đi nước bước trong chỉ đạo kinh tế - xã hội thông thoáng và đúng hướng hơn. Dừng những dự án chưa cấp bách đâu phải không vấp những ngáng trở của tư duy một thời cứ “vẽ ra” các dự án mà không biết tiền bạc, nguồn lực sẽ lấy từ đâu để thực hiện. Hãy nhìn xem TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và bao tỉnh thành khác trong cả nước có bao nhiêu dự án “treo chờ”? Hãy nhìn xem người dân cũng chỉ vì cái quy hoạch “treo chờ” mà cả chục năm có đất không dám xây nhà, cứ ngửa cổ chờ Nhà nước đền bù mà xa vời như “bóng chim tăm cá”(?).

Phải đi vào thực chất, phải nhìn thẳng vào thực tiễn, thực lực để có quyết sách trúng và đúng. Tư duy ấy đã ngày càng sáng rõ, khi đội ngũ “công bộc” của dân đang thực thi trách nhiệm với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường.

Mổ xẻ về những dự án treo chờ do đâu? Mổ xẻ về những dự án chậm trễ thi công “đội vốn” khủng hoảng tới cả chục nghìn tỷ vì đâu? Mổ xẻ cả những dự án khi đã đưa vào hoạt động mà hiệu quả không như kỳ vọng, thậm chí “vỡ trận” vì đâu? Mới thấy “nút thắt điểm nghẽn” ở ngay cách làm chưa thấu thực tế, ký tá mở dự án này, công trình kia còn “ngẫu hứng” chăng?

Dự án chống ngập của TP. Hồ Chí Minh tiêu tốn bao nhiêu nghìn tỷ mà nước vẫn cứ ngập tràn lan. Tiếp tục “đếm” tiếp bạc tiền vào, liệu có chống được ngập không? Dự án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội cả nghìn tỷ đầu tư vào giờ nhãn tiền “vỡ trận”, nào ai đứng ra chịu trách nhiệm? Các Metro của TP. Hồ Chí Minh, rồi đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh hứa hẹn tới lui bao lần vẫn chưa biết đến bao giờ mới đi vào vận hành, thì bộ nào, ngành nào đã chịu đứng ra nhận trách nhiệm chưa? Hãy nhìn việc nhồi nhét quá nhiều các cao ốc cao chọc trời mấy chục tầng ở lõi các đô thị lớn, thì nghẽn tắc giao thông, hạ tầng sao chịu nổi?

Càng thấy bạc tiền ngân sách hay từ nguồn nào đều phải biết nâng niu. Càng thấy quy hoạch phải chuẩn chỉ đi trước bước nhanh và những ký tá mở các dự án phải cân nhắc thật kỹ càng, chứ không thể tư duy nhiệm kỳ, tư duy ngẫu hứng? Đội ngũ “công bộc” thực thi trách nhiệm từ vĩ mô đến vi mô không thể mãi “đường mòn lối cũ”, mà phải “đột phá” mạnh mẽ vào chính cung cách hành xử của mình.

 Cần chỉ thẳng quản lý kinh tế tài chính trong các dự án lớn còn đang trong cái tâm thế “chạy theo”? Trả lời thế nào về các dự án Mertro ở TP. Hồ Chí Minh “đầu đã xuôi, mà đuôi chưa lọt”? Có hay: Giá đất biến động tăng chóng mặt từng ngày, thì bài toán “đền bù” cho dân sẽ càng thêm ách tắc. Không thể cái gì khó cũng dồn lên Chính phủ. Càng không thể cứ “ngựa quen đường cũ” như “chuyện dài nhiều tập” nhiệm kỳ mới là mở loạn ra các dự án mới. Đất nước nguồn lực chưa dư dả, càng không thể đầu tư theo kiểu “rải mành mành” như “ban phát” như chia phần, để rồi khởi công xong lại mỏi mắt ngồi chờ vốn!

Chính phủ mạnh mẽ đột phá vào “lối cũ đường mòn” trong đầu tư, trong mở các dự án, cần các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh thành cùng chung tay. Tất cả vì cái chung, thì không có chuyện “chia vốn” đầu tư để vừa lòng hết thảy. Các dự án mang tầm quốc gia là sân bay Long Thành, là cao tốc Bắc Nam, là lo hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long… không thể chần chừ được nữa. Tất cả nguồn lực quốc gia phải dồn cho những dự án tầm cỡ quốc gia này. Hơn thế phải quản lý sao cho không thất thoát lãng phí. Đồng tiền bỏ ra phải cho xứng đồng tiền, sử dụng đúng việc, đúng nơi, mới mong đất nước cất cánh đi lên! Dứt khoát bứt bỏ những dự án chưa cần thiết để dồn nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới. Cân nhắc kỹ càng trước khi ký tá mở những dự án mới đều phải tính đến hai chữ “hiệu quả”!

Chính phủ quyết tâm đột phá, Quốc hội quyết liệt giám sát, các bộ ngành, các tỉnh thành cùng chung tay, chắc chắn công tác quy hoạch sẽ đi dần vào quỹ đạo, bạc tiền đầu tư sẽ sử dụng hiệu quả. Hơn thế việc quy trách nhiệm cá nhân cũng minh bạch rõ ràng, không để mãi tình trạng “cha chung không ai khóc”! Đó chính là yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống, tiếng gọi từ cuộc sống hiện nay!

Đăng Quang