Tiếng ca vang lừng, nước non bừng sáng
Đây Ba Đình kỳ đài cao hùng vĩ/ Bát ngát một rừng cờ/ Muôn sao bay như nhắc lại từng giờ ngày khởi nghĩa năm xưa/ Chốn đây trong nắng thu vàng/ Bao thế hệ mong chờ giờ thiêng đã đến… Thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc 70 năm về trước là cảm hứng để nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác hợp ca này. Đó cũng là những ký ức hào hùng luôn in đậm trong tâm trí ông.
Khơi nguồn cảm hứng
“Năm 1945, tôi mới 13 tuổi, nhưng đã là thành viên Đội Thiếu nhi cứu quốc, cùng cha mẹ, anh chị tham gia hoạt động cách mạng. Những ngày giữa tháng 8.1945, theo chỉ định của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và Thành ủy Hà Nội, khu ngoại thành tiến hành giành chính quyền trước, nội thành làm sau. Ở ngoại thành thì làng Cót của tôi khởi nghĩa đầu tiên, sau đó biến thành cuộc tuần hành dọc theo sông Tô Lịch đến làng Giáp Nhất sang Mọc Quan Nhân, Chính Kinh... nhất loạt khởi nghĩa, rồi hợp thành một cuộc biểu tình lớn, kéo đến chiếm Đại lý Hòa Long - cơ quan đầu não ngoại thành của địch, hoàn thành cuộc khởi nghĩa chính quyền ở ngoại thành, sau đó theo hướng Ô Chợ Dừa, đoàn người kéo đến Quảng trường Nhà hát Lớn...” - nhạc sĩ Doãn Nho kể.

Sau thành công của khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và các địa phương trên cả nước, ngày 2.9.1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Trong ngày lịch sử ấy, từ rất sớm, ông cùng lực lượng Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và nhân dân làng Cót đi theo hướng Quảng trường Ba Đình để dự lễ Quốc khánh. “Tôi cùng các bạn vừa đi vừa đánh trống ếch, đoàn người hát vang các bài Du kích ca của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Chiến sĩ Việt Nam, Tiến quân ca (Văn Cao), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi)... Đoàn người hồ hởi, lần đầu tiên được đi trong không khí của một đất nước tự do. Tới Quảng trường Ba Đình, mọi người đứng thành từng khối, rất trật tự. Trước khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, máy bay của Đồng Minh bay trên bầu trời, bà con ở dưới reo hò vẫy lá cờ đỏ sao vàng, không còn ở thế sợ hãi như khi máy bay giặc đến” - niềm sung sướng và phấn khích vẫn được nhạc sĩ lưu giữ đến hôm nay, nét mặt ông rạng rỡ khi kể lại chuyện năm xưa.
Ba Đình mãi trong tim
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, những nét phác thảo đầu tiên cho ca khúc Ba Đình lịch sử được ông viết khi Cách mạng tháng Tám đã qua 10 năm. Đó là vào ngày 1.1.1955, chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, một cuộc diễu binh hùng tráng đã được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Cuộc diễu binh ấy thể hiện rất rõ sự trưởng thành của quân đội ta. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp, chủ yếu chúng ta là du kích, bộ đội địa phương, một số đơn vị bộ đội chủ lực. Nhưng tại cuộc duyệt binh 1955, ngoài bộ binh đã có binh chủng thông tin, công binh, đặc biệt là binh chủng pháo binh... Trở lại Quảng trường Ba Đình lịch sử, kỷ niệm của ngày Quốc khánh 1945 lại tràn về trong lòng cậu bé năm xưa, khi ấy đã là một bộ đội cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. “Trong không khí trang nghiêm và xúc động ấy, tôi đã kịp ghi những phác thảo đầu tiên của bài hát này, nối kết giữa thời điểm đó và cả không khí ngày lễ Độc lập năm 1945”.
Tuy nhiên, phải đến gần đây, nhạc sĩ Doãn Nho mới bắt tay hoàn thiện phác thảo ấy để có tác phẩm Ba Đình lịch sử đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Xuyên suốt tác phẩm là tình cảm của một con người gắn bó với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước, từ thuở thiếu thời cho tới khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, đã đi qua nhiều chiến trường, chứng kiến sự trưởng thành của đất nước và nhiều mốc son chói lọi của dân tộc trong thế kỷ XX. Ca khúc, được tác giả giữ nguyên dấu ấn cảm xúc và ngôn ngữ âm nhạc của phác thảo, mang đến không khí của Cách mạng Tháng Tám đến ngày tiếp quản Thủ đô, chuẩn bị cho kháng chiến chống Mỹ. Với giai điệu hành khúc chậm rãi, ca từ đi vào chiều sâu, mang tính hồi tưởng.
Dạo trên Quảng trường Ba Đình lịch sử với bản tổng phổ vừa hoàn thành trên tay, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ: “Quảng trường Ba Đình để lại dấu ấn mãi trong trái tim của tôi cùng với hình ảnh Bác Hồ. Dù trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi chủ yếu sống trên dải Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là chiến trường Tây Nguyên... nhưng Ba Đình luôn có vị trí trang trọng trong trái tim mỗi người”.
Nghe say trong gió thắm thiết lời núi sông tiếng Bác Hồ Chí Minh vang. Nơi nơi reo hò chen tiếng ca vang lừng đón mừng Ngày Độc lập nước non ta bừng sáng… Lời hát như đưa người nghe trở về với không khí rộn ràng, tươi vui của đông đảo nhân dân đứng trên Quảng trường Ba Đình cách đây 7 thập kỷ. Nay đã ở tuổi 83, nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn nhớ như in giọng nói của Bác Hồ vang vọng, ấm áp, thiêng liêng, đặc biệt là lời khẳng định của Người: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.