Tiến trình nhất thể hóa châu Âu
EU là thước đo chuẩn mực cho các mẫu hình liên minh khu vực? Điều này đang từng bước được khẳng định cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Châu Phi là “học sinh” đầu tiên. Châu Á với hai hạt nhân là Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang chập chững với những bài học “vỡ lòng”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu hiện đã có 27 thành viên nhưng tham vọng “Đông tiến” vẫn chưa dừng bước.
Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Macedonia, Bosnia, Montenegro và Albania đang trong quá trình đàm phán gia nhập EU. |
Thành viên 2007
Bulgaria và Romani gia nhập EU từ ngày 1.1.2007 đánh dấu một cột mốc mà ở đó con số 27 thành viên đặt ra cho liên minh nhiều vấn đề phải giải quyết. Từ một hạt nhân 6 thành viên năm 1958 trong khuôn khổ một Cộng đồng Kinh tế, con đường dài hàng thập kỷ của EU và con đường ngắn một thập niên của hai nước trên đang đặt ra câu hỏi tại sao EU lại mở rộng và đó là điều tốt hay dở? Bulgaria và Romani nộp đơn xin gia nhập từ đầu những năm 1990 cùng với 8 quốc gia Trung và Đông Âu khác (những nước này đã được gia nhập năm 2004), nhưng lại chạy chậm hơn ở tiến trình cải cách kinh tế- chính trị, vốn là hai điều kiện tiên quyết trong tham vọng mở rộng biên giới EU. Tại thời điểm bước sang năm 2007, thực ra Bulgaria và Romani vẫn chưa đáp ứng thật trọn vẹn các tiêu chí của EU, nhưng những nhà nắm sách lược của liên minh này hiểu rằng trì hoãn lộ trình gia nhập sẽ khó thúc đẩy những cải cách rộng lớn, không chỉ đối với các thành viên mới mà với cả bộ máy liên minh.
Bulgaria và Romani là các quốc gia nghèo nhất trong ngôi nhà chung nhưng sức hút của họ nằm ở 2 ghế tại Ủy ban châu Âu (EC) cùng 54 ghế tại Nghị viện châu Âu và tốc độ tăng trưởng lý tưởng đối với EU là 5 - 7%. EC tin tưởng rằng sự lớn mạnh nhanh về kinh tế cùng nguồn nhân lực năng động tại Bulgaria và Rumani sẽ là một tài sản quý. Bên cạnh đó, vị trí địa lý có tầm chiến lược của Bulgaria (cửa ngõ với Balkan và vùng Biển Đen) và Romani (một cầu nối sang Đông Âu) sẽ giúp EU không nhỏ trong chiến lược đối ngoại và an ninh.
Bulgaria và Romani đã nhận 1,5 tỷ EURO tiền trợ giúp hội nhập. 10 quốc gia gia nhập năm 2004 cũng nhận tổng cộng 4 tỷ EURO từ ngân sách EU để tái cơ cấu nền kinh tế. |
27 đã là đủ?
Trong nội bộ EU đang bị chia rẽ bởi hai quan điểm, tiếp tục mở rộng thành viên hay 27 đã là quá đủ. EU đã cam kết với hàng loạt quốc gia vùng Balkan (có ảnh hưởng chính trị không nhỏ trong bình diện khu vực) rằng họ sẽ được kết nạp bất cứ lúc nào nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Croatia cùng người anh em cũ Macedonia đã được công nhận quy chế “ứng cử viên”. Phần lớn các phân tích đều cho rằng tiến trình mở rộng sẽ còn tiếp tục dù có thể bị ngắt quãng về ngắn hạn do “lý do kỹ thuật”. Sự phản đối trong dư luận tại một số quốc gia sáng lập EU không phải là trở ngại chính, mà điều khiến EU đang lưỡng lự là tầm vóc các bộ luật hiện thời không đủ bao quát hết một EU rộng lớn. Tại một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Eurobarometer mới thực hiện, 46% dân số EU ủng hộ tiếp tục mở rộng (năm 2005 là 49%) và 42% phản đối (năm 2005 là 39%).
Thực ra, lý do để dư luận các nước thành viên EU phản đối tiến trình mở rộng là vấn đề việc làm. Dù Pháp hay Đức đã qua giai đoạn sóng gió nhất về nạn thất nghiệp nhưng sự lo ngại không vì thế mà giảm đi. Để trấn an dư luận, EU đã áp dụng quy định hạn chế sự dịch chuyển lao động từ các nước thành viên mới, như trường hợp Bulgaria và Romani là cấm di cư lao động trong vòng tối đa 7 năm. Những nước thành viên cũ sẽ giải trình với EC theo chu trình 2 năm và 5 năm một lần về quyết định áp dụng lệnh cấm của mình. Sự lo ngại này lớn nhất là ở Pháp và Hà Lan - hai quốc gia đã không tán thành bản dự thảo Hiến pháp EU năm 2005. Chính phủ Pháp đã trao quyền quyết định về tiến trình mở rộng cho cử tri và sẽ áp dụng sau khi Croatia trở thành thành viên EU. Chính phủ Áo thì “dọa” sẽ trưng cầu dân ý về trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đã đề xuất tạm ngừng kết nạp thành viên mới đến khi thực hiện xong việc cải tổ bộ máy và giải quyết các trở ngại trong Hiến pháp.
Lối ra trước thách thức
Sau những bữa tiệc chào đón Bulgaria và Romani, EU trở lại với thực tế. Những gì đang chờ đón họ trong năm 2007? Lá phiếu “Không” của cử tri Pháp và Hà Lan có thể là trở ngại lớn nhất cho bản Hiến pháp vốn được mong đợi như hỏa hoạn chờ nước. Một nhà ngoại giao Pháp có tên tuổi trên chính trường EU thừa nhận “tâm trạng có thể thay đổi chút ít nhưng một điều chắc chắn vẫn chưa thấy đâu”. Nhà tư vấn chính trị Krzysztof Bobinski ở Tổ chức Unia & Polska của Ba Lan thì nhận xét: “Tôi thấy EU khó đạt được tham vọng của mình trong năm 2007 vì có quá nhiều ý chí chính trị trong khuôn khổ EU bị chi phối bởi lợi ích của một quốc gia”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mở đầu cho năm 2007 với tuyên bố sẽ nối lại đàm phán về bản Hiến pháp EU. Lợi thế của tuyên bố này là việc nước Đức nắm quyền Chủ tịch EU trong nửa đầu năm 2007, nhưng mục tiêu mà bà Merkel đưa ra lại dường như quá xa: Đến năm 2009 khả năng mới đàm phán xong. Hệ thống chính trị của Đức đã khởi động quá trình tham vấn đầy đủ 27 quốc gia thành viên, nhưng vào thời điểm này khả năng thành hay bại lại dồn vào nước Pháp, quốc gia sẽ nắm quyền Chủ tịch luân phiên của EU vào nửa cuối năm 2008 - một thời điểm quyết định không chỉ cho bản Hiến pháp mà còn với tiến trình Đông tiến của Liên minh châu Âu.
Minh Trang