Lợi ích cho các bên
Cuối tháng 5, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, UBND xã Hòa Long, TP. Bà Rịa đến KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu để nộp tiền của đơn vị. Chị cho biết, các giao dịch liên quan đến giấy tờ, hồ sơ thu chi ngân sách và các hoạt động khác đã thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến nên mọi thủ tục thuận tiện, giảm được chi phí, thời gian đi lại.
KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đã duy trì và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 100% đơn vị thuộc đối tượng tham gia dịch vụ công trực tuyến (trừ khối an ninh quốc phòng). Các hoạt động giao dịch của KBNN được triển khai 24/7 gồm cả ngày nghỉ, lễ với số lượng giao dịch chi ngân sách qua dịch vụ công đạt 99%. Theo bà Trịnh Thị Anh Đào, Phó Trưởng phòng Kế toán KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến đã giảm được thời gian xử lý, tiếp nhận và hạch toán thủ công, giúp minh bạch các thủ tục hành chính cho các đơn vị sử dụng ngân sách, giảm tải trong công tác lưu trữ, hồ sơ, chứng từ giấy cho kho bạc so với trước.
Nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tiến tới hình thành kho bạc số, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã bám sát mục tiêu trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Ngô Thành Đức, Phó Giám đốc KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm đẩy mạnh thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015, trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách phương thức giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cũng triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình, quy trình thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện, tiền nước theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước để tiến tới mục tiêu “Kho bạc 3 không” (không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy), hoàn thành kho bạc số. Đồng thời, tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu với ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân nộp các khoản thu học phí, viện phí bằng phương thức giao dịch hiện đại, không dùng tiền mặt. Công tác hạch toán thu ngân sách theo đúng quy định, phối hợp cùng cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời nguồn thu vào ngân sách... cũng được tăng cường.
Mục tiêu quan trọng
Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân cho biết, kho bạc số là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Thời gian qua, KBNN đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả ngân sách, ngân quỹ và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Hiện tại KBNN đang duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách. KBNN đã liên thông các hệ thống trên để cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là dịch vụ công trực tuyến. Cho đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6% và KBNN đang bổ sung các tính năng của chương trình để phục vụ khách hàng tốt nhất. Số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng kho bạc số, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân cho biết, KBNN sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan. Đồng thời, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức KBNN có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số...