Tiến thoái lưỡng nan

Ngọc Quang 14/05/2011 07:42

Không ngoa khi người ta dự đoán cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang bước vào ngõ cụt. Hết Hy Lạp mong mỏi cần thêm cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại đến Ireland yêu cầu hai thể chế trên nới lỏng các điều kiện cứu trợ. Thế tiến thoái lưỡng nan đang khiến khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phải cân nhắc...

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Đã có lúc việc từ bỏ đồng euro được coi như một biện pháp tối ưu để giúp Hy Lạp vượt qua cơn khủng hoảng. Những tác động ngắn hạn của việc từ bỏ đồng euro nhỏ hơn nhiều so với việc kinh tế suy thoái, thất nghiệp cao trong nhiều năm nếu thực hiện theo kế hoạch của EU. Có vẻ như bài học Argentina cuối năm 2001 đang hiện hữu. Khi đó, Argentina đã phải trải qua cuộc suy thoái kéo dài gần 4 năm với mức độ nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đồng peso được gắn chặt với đồng USD, cũng giống như việc Hy Lạp có đồng euro hiện nay. Argentina nhận các khoản cho vay của IMF và cắt giảm chi tiêu khi đói nghèo và thất nghiệp tăng lên. Tuy nhiên tất cả những biện pháp trên đều vô dụng, suy thoái trầm trọng thêm.

Thế rồi Argentina vỡ nợ. Đa số các nhà kinh tế và báo chí khi đó dự báo rằng năm đó sẽ là một thảm họa. Tuy nhiên, nền kinh tế Argentina chỉ suy thoái trong hơn một quý sau khi phá giá đồng tiền và vỡ nợ. Trong 6 năm sau đó, kinh tế Argentina đã tăng trưởng 6,3% và trên 11 triệu người trong tổng số 39 triệu dân của nước này thoát khỏi đói nghèo. Nhưng vấn đề ở chỗ Hy Lạp không phải là Argentina và biện pháp này xem ra lại hơi quá lạc quan trong bối cảnh IMF liên tục hạ thấp mức dự báo tăng trưởng ngắn hạn của Hy Lạp.

Cũng có ý kiến cho rằng Hy Lạp, cũng như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, có thể phục hồi bằng việc “phá giá nội bộ”. Điều này có nghĩa là thất nghiệp tăng cao tới mức để lương giảm mạnh đủ để để tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cái giá về mặt xã hội của giải pháp này là rất lớn và cũng khó có tác dụng. Thất nghiệp ở Hy Lạp đã ở mức hai con số (14,7%); ở Tây Ban Nha là 20,7%, Ireland cũng là 14,7% và kinh tế vẫn chưa phục hồi.

Vậy còn Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 750 tỉ euro?. Thực tế quỹ này chỉ là để bảo lãnh nợ chứ không được dùng để viện trợ không hoàn lại hay trả nợ thay. Vì thế, vấn đề nợ ở các nước nhận cứu trợ từ EFSF chỉ tạm thời lắng xuống, dành chỗ cho các cuộc bàn thảo về giảm chi tiêu lâu dài, thâm hụt ngân sách... Sau đó, họ mới được trở lại với thị trường vốn, tiến hành trả nợ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại trái với mong muốn. Ví như trường hợp của Hy Lạp, một năm đã trôi qua, thời hạn phải trả nợ tới gần, nếu nước này không thành công trong việc vay tiền, sẽ buộc phải cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm cả việc cắt nợ lẫn kéo dài thời gian trả nợ. Nỗi lo Hy Lạp vi phạm khế ước vay nợ vì thế lan nhanh.

Theo thống kê của IMF, tổng nợ của chính phủ Hy Lạp hiện nay đạt mức 320 tỉ euro. Con số này đối với Irelend và Bồ Đào Nha đều là 150 tỉ euro. Áp lực trả nợ đáo hạn đối với những nước này quả là không nhỏ. Ngoài ra, theo ước tính của phía ngân hàng, khả năng Hy Lạp sẽ vi phạm khế ước vay nợ hoặc cơ cấu lại các khoản nợ trong 2 năm tới đã lên đến 46%. Tỉ lệ này đối với Irelend và Bồ Đào Nha lần lượt là 24% và 22%.

Hiện có hai lựa chọn được đặt ra, một là vi phạm khế ước vay nợ, hai là tăng quy mô cứu trợ. Nếu Hy Lạp thực sự lựa chọn giải pháp vi phạm khế ước vay nợ, không những nước này sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường mà chắc chắn sẽ làm liên lụy tới Ireland và tin rằng cũng sẽ khiến phương án cứu trợ mà Bồ Đào Nha đang đàm phán trở thành bong bóng. Khi cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục lan tràn, ngay cả Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong EU luôn khẳng định rằng họ không gặp vấn đề về tài chính, cũng khó tránh khỏi kiếp nạn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại vốn nắm giữ một lượng lớn nợ sẽ không có cách nào để tránh khỏi tình trạng nợ xấu tăng mạnh. Do vậy, không thể xem nhẹ hiệu ứng của “chiêu bài” vi phạm khế ước vay nợ và đây rõ ràng không phải là lựa chọn tốt nhất.

Nhưng nếu tăng quy mô cứu trợ, EU phải làm như thế nào? Trên thực tế, mới đây quan chức tài chính châu Âu cũng tiến hành thảo luận việc sửa đổi phương án cứu trợ Hy Lạp, nhất trí rằng cần phải cung cấp thêm tiền cứu trợ cho nước này. Tuy nhiên, một số mâu thuẫn ở tầng sâu trong nội bộ EU khiến viễn cảnh trên không lạc quan. Trước tiên, xuất phát từ tình hình chính trị trong nước và để lôi kéo cử tri, một số nước thành viên EU đã không tích cực, thậm chí là phản đối việc tăng quy mô cứu trợ. Kế đó, theo cơ chế vận hành của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu -EFSF, một khi quy mô cứu trợ tăng lên, các nước thành viên sẽ phải đóng góp tiền theo tỉ lệ, nhưng không phải nước nào cũng có thể làm điều đó dễ dàng. Đối với Đức, một nước có nền kinh tế hùng mạnh, việc đóng góp tiền đương nhiên không phải là vấn đề, nhưng với Tây Ban Nhà và Italy, hai nước từ lâu đã nợ đầm đìa, việc đóng góp thêm tiền sẽ làm nặng thêm gánh nợ trên lưng. Rõ ràng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang rơi vào thế bí.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiến thoái lưỡng nan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO