Tiền lệ nguy hiểm

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 05:42 - Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét hành động pháp lý chống lại Vương quốc Anh sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc đẩy kế hoạch thay thế các phần của thỏa thuận rút lui.

EU nổi giận

Khối liên minh lá cờ xanh tin rằng họ có thể gặp phải thách thức trước khi Chính phủ Anh thông qua dự luật Thị trường nội địa, trong đó thay đổi một phần thỏa thuận được ký năm ngoái liên quan đến Bắc Ireland. Bản thân xứ sở sương mù thừa nhận, văn bản này có vi phạm luật pháp quốc tế nhưng “theo cách đặc biệt và có giới hạn”. Theo Bloomberg, dự thảo tài liệu do Brussels chuẩn bị và được lưu hành tới các quốc gia thành viên cảnh báo rằng, dự luật “vi phạm rõ ràng” đối với thỏa thuận rút lui, vốn sẽ “mở đường cho các biện pháp pháp lý”.

EU nói thêm rằng một khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, khối cũng có thể kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có trong thỏa thuận. Điều đó đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh sẽ bị trừng phạt tài chính. Thông tin trên được đưa ra khi EU kêu gọi tổ chức họp khẩn cấp nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán Brexit vào hôm qua, 10.9. Ông Eric Mamer, người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu (EC), viết trên Twitter: “EU muốn tìm kiếm lời giải thích rõ ràng từ Vương quốc Anh về việc thực hiện đầy đủ và kịp thời thỏa thuận rút khỏi EU”. Trong khi đó, ông Maros Sefcovic, người đồng cấp với Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove trong Ủy ban chung của Vương quốc Anh - EU được thành lập để thực hiện Brexit, ngày 10.9 cũng tổ chức họp bất thường để giải quyết “những quan ngại sâu sắc” của khối.

Bản thân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng cảnh báo việc Chính phủ Anh công bố dự luật Thị trường nội địa đã “vi phạm luật pháp quốc tế và làm xói mòn lòng tin”. Hôm 9.9, Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra hàng rào bảo vệ mới, thông báo với các phóng viên rằng thỏa thuận rút lui đã được ký kết “nhanh chóng” và Chính phủ Anh luôn có ý định rằng các vùng xám trong hiệp ước có thể được làm rõ sau này.

Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen cho biết nguyên tắc pháp lý của thỏa thuận phải được duy trì (nghĩa là nó không thể được gia hạn) và là “nền tảng của các mối quan hệ thịnh vượng trong tương lai”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói thêm, “việc vi phạm luật pháp quốc tế sẽ không tạo ra niềm tin mà chúng ta cần để xây dựng mối quan hệ trong tương lai”. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cũng mới tới London để làm việc với Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost về đề xuất của Vương quốc Anh nhằm thay đổi các phần của thỏa thuận liên quan đến Bắc Ireland.

Trước thềm cuộc họp này, một nhà ngoại giao EU nói với tờ The Telegraph: “Đọc nhanh các điều khoản liên quan của dự luật Thị trường nội địa cho thấy Chính phủ Anh đang phát động cuộc tấn công trực diện vào thỏa thuận rút lui và các nghĩa vụ của nó". Tuy nhiên, quan chức khác của khối lại nhận định, liên minh lá cờ xanh sẽ không bỏ cuộc vào thời điểm này, đồng thời nói thêm rằng “ông Barnier sẽ coi Anh là bên phải chịu trách nhiệm về vụ lộn xộn trên ”.

Sóng gió ngay trong nhà

Thủ tướng Anh Johnson cũng đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích tại quê nhà khi ông John Major mới đây đã trở thành cựu thủ tướng thứ hai sau bà Theresa May cảnh báo việc thay đổi thỏa thuận rút lui có nguy cơ làm xói mòn lòng tin đối với Vương quốc Anh cũng như vị thế quốc tế của xứ sở sương mù. Ông nói thêm, “trong nhiều thế hệ... chữ ký của chúng ta trên bất kỳ hiệp ước hoặc thỏa thuận nào đều bất khả xâm phạm”. “Nếu chúng ta đánh mất danh tiếng vốn luôn tôn trọng những lời hứa đã cam kết, chúng ta sẽ mất đi thứ gì đó vô giá mà có thể không bao giờ lấy lại được”.

Trong khi đó, ở Washington, các thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ cảnh báo, Vương quốc Anh có nguy cơ gây nguy hiểm cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong tương lai nếu nước này không duy trì thỏa thuận rút lui với EU. Trong số các quan chức trên có ông Richard Neal, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, nơi có tác động đáng kể đối với việc ký kết các thỏa thuận thương mại của Mỹ.

Ông Neal tuyên bố, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden, người đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc thăm dò,“chia sẻ quan điểm của tôi”, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ động thái nào có nguy cơ gây ra biên giới cứng trên đảo Ireland là “vấn đề rất quan trọng”. Được biết, ông Biden, một người Mỹ gốc Ireland, là người ủng hộ mạnh mẽ Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành, trong đó yêu cầu biên giới mở. Ý kiến của ông cũng nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Theo bà, “nếu Vương quốc Anh vi phạm hiệp ước quốc tế đó (thỏa thuận rút lui) và Brexit phá hoại Thỏa thuận thứ sáu Tốt lành, hiệp định thương mại Mỹ - Anh sẽ không có cửa được thông qua tại Quốc hội Mỹ”. Trên thực tế, cả Hạ viện, trong đó Đảng Dân chủ chiếm đa số, lẫn Thượng viện, sẽ phải phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng việc bảo vệ tiến trình hòa bình Bắc Ireland chính là lý do Vương quốc Anh quyết định thay đổi. “Chúng tôi hoàn toàn cam kết không có biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland". Trong phiên chất vấn Thủ tướng, ông Boris Johnson phát biểu: “Chúng ta cần một mạng lưới an toàn pháp lý để bảo vệ đất nước trước những cách giải thích cực đoan hoặc phi lý về thỏa thuận rút lui vốn có thể dẫn đến đường biên giới xuống dưới Biển Ireland mà tôi tin rằng... sẽ gây bất lợi cho lợi ích của Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành cũng như phương hại đến lợi ích của hòa bình ở đất nước chúng ta”. Theo ông Boris Johnson, dự luật là để “bảo vệ việc làm, tăng trưởng, bảo đảm tính lưu động và an toàn của thị trường nội địa Vương quốc Anh”.

Thủ tướng Anh khẳng định, “công việc của tôi là duy trì sự toàn vẹn của Vương quốc Anh nhưng cũng để bảo vệ tiến trình hòa bình Bắc Ireland và Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành”. Ông Boris Johnson đồng thời gọi dự luật mới là “mạng lưới an toàn pháp lý” nếu EU đưa ra “cách giải thích không hợp lý” các thỏa thuận hậu Brexit. Chính phủ Anh cho rằng dự luật Thị trường nội địa là cần thiết để thông suốt thương mại giữa Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, giúp phục hồi sau đại dịch Covid-19 khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc trong năm nay.

Theo Hiệp ước rút khỏi EU, Anh phải liên lạc với Brussels về bất kỳ thỏa thuận nào đối với Bắc Ireland, nơi từng chứng kiến ba thập kỷ đổ máu cho đến khi đạt được Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành năm 1998, và sẽ trở thành biên giới trên bộ duy nhất của Vương quốc Anh với EU. Bản dự thảo gốc của thỏa thuận rút lui có nghĩa là Bắc Ireland sẽ tiếp tục tuân theo một số quy tắc của 27 quốc gia EU, để bảo đảm biên giới của Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland vẫn mở theo yêu cầu của Thỏa thuận Thứ sáu Tốt lành. Dự luật mới tìm cách trao cho các bộ trưởng Anh quyền phủ quyết đối với các điều khoản thương mại đối với bốn “quốc gia quê hương” bao gồm cả Bắc Ireland, bất kể sự phản đối nào từ Brussels.

Ngọc Minh