Tiền Hải - 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân

Nguyễn Hường 22/07/2022 15:50

Tiền Hải (Thái Bình) - vùng đất trẻ nơi cửa biển, nơi đã sản sinh ra nhiều bậc hiền nhân lưu danh sử sách, cũng là nơi đã sản sinh ra biết bao tượng đài bất tử, những Anh hùng liệt sỹ, những thương bệnh binh không tiếc máu xương cống hiến hết mình cho Tổ quốc. 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân, Tiền Hải đã và đang trao gửi trọn vẹn tấm lòng đền ơn đáp nghĩa.

Quá khứ hào hùng

Tiền Hải - được nhắc đến là quê hương cách mạng 14 tháng 10. Nơi khởi nguồn của tiếng trống năm 1930 đã đánh dấu mốc son trong lịch sử  đấu tranh cách mạng của dân tộc. Khi Tổ quốc gọi, trên 22.000 người con ưu tú của quê hương sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Tuổi trẻ tràn đầy niềm tin và khát vọng, sẵn sàng gác lại những ước mơ, hạnh phúc riêng vì lý tưởng chung cao cả của dân tộc đó là hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.

Tiền Hải - 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân -0
Chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng

Những chàng trai, cô gái năm đó, có người chưa biết đến tình yêu đôi lứa, có người vừa được hưởng niềm hạnh phúc riêng được vài ngày đã phải chia xa, có những người mẹ lặng lẽ tiễn đưa chồng, con lần lượt lên đường. Ra đi ai cũng hẹn ngày trở về. Nhưng có lời hẹn mãi mãi còn dang dở. Lời hẹn của liệt sĩ Phạm Tùng Xuân ở xã Tây Phong là một trong hàng ngàn ví dụ.

Chia sẻ với phóng viên, chị Phạm Thị Vân – người con út của liệt sĩ Phạm Tùng Duân cho biết: bố tôi sinh năm 1934 trong gia đình truyền thống yêu nước nên ông đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng. Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về quê hương, lao động sản xuất, lập gia đình với mẹ tôi tên là Trần Thị Hòe và sinh được 3 người con lần lượt đặt tên là Trung, The, Vân. Vốn là người nhiệt tình, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương nên ông được cử làm Bí thư Đoàn thanh niên xã Ái Quốc (nay là xã Tây Phong và xã Tây Tiến). Năm 1965, theo tiếng gọi của miền Nam thân thương, bố tôi lại tái ngũ lên đường chiến đấu tại Sư đoàn 3 hay còn lại là Sư đoàn bộ binh 3, Sư đoàn Sao Vàng. Ngày lên đường, và trong lá thư bố tôi viết gửi về gia đình là ngày 15.5.1968 cũng hứa ngày trở về sẽ kể với mọi người về miền Nam thân yêu. Vậy nhưng, lời hẹn đó mãi mãi không thể… - Chị Vân ngẹn ngào.

Cũng theo đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải cho biết: Chiến tranh đã làm  4.923 chàng trai, cô gái đã mãi mãi nằm lại chiến trường, nhưng hiện mới có trên 1.500 liệt sĩ được trở về với quê hương, vẫn còn hơn 3.000 liệt sĩ còn nằm rải rác trên khắp mảnh đất hình chữ S thân yêu này. Đó là chưa kể có 2.335 người để lại một phần máu xương của mình; 2.630 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 618 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng,  trong đó, có 23 mẹ vừa tiễn chồng, vừa tiễn con lên đường; 71 mẹ đã trao cho Tổ quốc người con trai độc nhất của mình; 427 lão thành cách mạng, 66 gia đình có công với nước, trên 11.000 người tham gia hoạt động kháng chiến trong các thời kỳ cách mạng, được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến... Những con số ấy đã phần nào nói lên sự khắc nghiệt, khủng khiếp của chiến tranh, cái giá quá lớn của tự do. Nhưng những con số ấy cũng nói lên sự quyết tâm, ý chí sắt đá, một quá khứ đầy hào hùng của cha ông quê hương cách mạng Tiền Hải.

75 năm - uống nước nhớ nguồn

Với chủ trương, không để các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, trong những năm qua, Tiền Hải đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt công tác rà soát, xét duyệt, bố trí nguồn. Từ  năm 1995, đã có 2.915 ngôi nhà được hỗ trợ một phần kinh phí để trao cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ, số tiền trên 106 tỷ đồng. Trên 6.000 đối tượng người có công được nhận tiền trợ cấp chi trả thường xuyên, số tiền hằng năm trên 145 tỷ đồng.

Tiền Hải - 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân -0
Phần mộ của các anh hùng liệt sỹ luôn được chăm sóc, thăm viếng thường xuyên 

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiền Hải Hoàng Việt Huy cho biết: vào dịp tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, UBND huyện Tiền Hải chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc xét duyệt quà cho 8.990 đối tượng đảm bảo không trùng lặp, không bỏ sót, đúng chế độ chính sách, công khai, minh bạch.

Các công trình tri ân tưởng nhớ được thường xuyên tu bổ, tôn tạo và xây mới. Huyện Tiền Hải hiện có 27 hạng mục công trình, trong đó có 8 nghĩa trang khu vực, là nơi an nghỉ của 1.485 liệt sỹ. Trên địa bàn còn có 10 đài tưởng niệm, 8 nhà bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ, 1 Đền thờ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trung tâm huyện.

Về công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm cũng được các cấp, ngành của huyện đặc biệt quan tâm. Cụ thể, hiện địa phương còn 13 mẹ còn sống, đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Các cấp chính quyền, đơn vị phụng dưỡng qua lại thăm hỏi thường xuyên.

Bắt tay vào mặt trận mới

Chiến tranh qua đi, những người lính trở về trong niềm vui đoàn tụ. Với những ký ức hào hùng mà nhiều đau thương, họ trở về với những vết thương trên thịt da, những vết thương lòng không dễ gì lành lại. Họ cũng trở về với ý chí, nghị lực, bản lĩnh đã được tôi luyện trên chiến trường. Thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, các thương bệnh binh lại bắt tay vào mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế. Đã có rất nhiều thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học trở thành những người làm kinh tế giỏi, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, sẵn sàng góp sức vì cuộc sống cộng đồng.

Thương binh Vũ Văn Tưởng xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải (Thái Bình) là một ví dụ. Tâm sự với phóng viên, ông Tưởng cho biết: ông mang trong mình thương tật nặng, sức khỏe suy giảm 86%, đặc biệt đôi mắt bị mất hẳn 1 bên do mảnh bom mìn văng trúng. Nhưng với ý chí và nghị lực của người lính, sau giải phóng, hòa bình lập lại, trở về quê nhà, nhận thấy vùng đất của quê hương còn hoang hóa nhiều, chưa khai thác hết, ông đã cùng với gia đình đã đấu lại 10ha đất để ươm trồng các cây giống cung cấp cho các dự án. Mỗi năm cung cấp từ 5- 6 vạn cây giống, tạo việc làm cho 8 lao động địa phương.

Giờ đây rừng thông của ông Tưởng đã phủ kín một vùng, tạo vành đai xanh hạn chế triều cường và xâm nhập mặn. Giống như con nước thủy triều đều đặn lên xuống, người thương binh này vẫn ngày qua ngày cần mẫn ươm từng hạt giống, trồng từng cây non, tiếp tục phủ xanh cồn cát. Họ lặng thầm góp sức cho đời, giúp ích cho quê hương, lan tỏa những việc tử tế như một lời tri ân tới đồng đội năm xưa.

Không chỉ vậy, còn có những người vợ, người mẹ, nỗi đau mất chồng, mất con vẫn luôn đau đáu. Nhưng vượt lên số phận, các mẹ đã không quản khó khăn, thay chồng nuôi dậy con cái trưởng thành, phát triển kinh tế cho gia đình làm giàu cho quê hương, đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, trên quê hương Tiền Hải giờ đã nhiều đổi thay, nhưng với các thế hệ con cháu sẽ đời đời ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ, người có công và gia đình chính sách, phát huy truyền thống quê hương Anh hùng.  Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiền Hải Hoàng Việt Huy cho biết: những năm tới các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện Tiền Hải tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng đảm bảo chăm sóc tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của những người và gia đình có công với cách mạng, với quê hương, đất nước thanh bình ngày hôm nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiền Hải - 75 năm thắp sáng ngọn lửa tri ân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO