Đoàn kiểm tra của tỉnh đã xem xét báo cáo trao đổi, thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở của các đơn vị được kiểm tra. Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện.
Theo đánh giá, các hình thức tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện đa dạng, phù hợp như: hội nghị; tuyên truyền, phổ biến trực tiếp; thông qua sinh hoạt ngày pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; lồng ghép PBGDPL trong các đợt, các hoạt động cao điểm như tháng hành động phòng, chống ma túy, công tác tuyển quân, ứng dụng định danh VNeID trong các lĩnh vực, trong phong trào xây dựng nông thôn mới; PBGDPL trong nhà trường, trên các nhóm zalo, trang thông tin điện tử, cấp phát tài liệu, tờ rơi…
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn, tập huấn kỹ năng PBGDPL. Về kinh phí, Sở Thông tin và Truyền thông bố trí kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số, phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng trong các đề án, kế hoạch thực hiện các lĩnh vực này. Đối với cấp huyện, bố trí kinh phí PBGDPL từ đầu năm; cấp xã đa số không bố trí kinh phí riêng cho công tác PBGDPL mà cấp chung trong kinh phí hoạt động thường xuyên của UBND xã.
Công tác hòa giải ở cơ sở được cấp huyện, cấp xã quan tâm tổ chức thực hiện. Các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, một số đơn vị đã huy động được các nguồn kinh phí xã hội hóa và các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, góp phần xây dựng, thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.
Kết quả hòa giải thành của các đơn vị được kiểm tra đạt từ 90% trở lên. Việc chi hỗ trợ cho hòa giải viên bảo đảm theo quy định (mỗi vụ việc hoà giải thành là 400.000 đồng, không thành là 300.000 đồng).
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, tại các cuộc kiểm tra, đoàn kiểm tra của tỉnh đã trao đổi, hướng dẫn, kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc như: tiếp tục lựa chọn, xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả; tăng cường tổ chức tuyên truyền miệng cho các nhóm đối tượng cụ thể, đặc thù, yếu thế, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật; tăng cường PBGDPL trên các phương tiện truyền thanh ở cơ sở.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác PBGDPL; bố trí kinh phí phù hợp và phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và các chi, tổ hội ở ấp, khu phố trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.