Tiễn đông, đón xuân, cầu thịnh vượng

- Thứ Hai, 15/02/2021, 08:25 - Chia sẻ

Không chỉ gắn bó mật thiết và quan trọng với nhà nông, là một phần quen thuộc của làng quê Việt, con trâu còn là biểu tượng gắn với nghi lễ cung đình ở Kinh thành Thăng Long một thuở. Được tổ chức vào khoảnh khắc giao mùa đông - xuân, “Tiến xuân ngưu“ nhằm tiễn năm cũ, đón năm mới với nhiều niềm tin, ước vọng.

Dâng trâu đất ngày xuân

Mỗi năm một lần, khoảnh khắc giao giữa năm cũ và năm mới luôn được người Việt chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm “tống cựu nghinh tân”. Từ những cái Tết đã đi vào lịch sử, nhiều nghi lễ, tục lệ trang trọng, nghiêm cẩn, cả trong cung đình và dân gian, được lưu truyền. Nhiều lễ thức đón xuân của Kinh đô Thăng Long xưa được ghi chép qua sử sách, như lễ ban sóc (phát lịch), lễ phất thức (lau ấn tín), lễ dựng cây nêu… đặc biệt là lễ Tiến xuân ngưu (dâng trâu đất trong tiết lập xuân).

GS.TS. Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng hình ảnh một con vật thuộc 12 con giáp, tháng cuối cùng của năm biểu tượng là trâu, nên gọi là tháng Sửu, còn đất thì ngăn nước (theo ngũ hành tương khắc thì Thổ khắc Thủy). Thời điểm này vẫn là mùa đông giá rét, làm tượng trâu đất ban đầu với nghĩa tống tiễn mùa đông lạnh giá, sau có thêm tục Đả xuân ngưu mang ý trấn át, xua đuổi khí lạnh mùa đông, đón chào mùa xuân.

Đáng chú ý, nghi thức mang đậm tâm thức dân gian lại do triều đình tổ chức. Theo quy định, lễ tục này được thực hiện vào ngày lập xuân, do bộ Lại vâng lệnh vua tiến hành ở kinh đô. Công việc chuẩn bị từ những ngày đông lạnh giá, trong đó làm trâu đất khá kỹ lưỡng. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết: Hàng năm đến tháng 11, Tư Thiên giám tâu ngày nào, tháng nào là tiết lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm xuân ngưu, giao bộ Công sai Thường ban cục làm. Trước tiết lập xuân một ngày, buổi chiều, Thường ban cục đem trâu đất đến đàn ở phường Đông Hà (tức Ô Quan Chưởng). Quan phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu.

Sách “Lê triều hội điển” viết, mỗi năm trâu đất được quét một màu khác nhau theo ngũ hành của ngày lập xuân, như ngày đó thuộc hành Kim thì được quyét màu trắng, thuộc hành Mộc thì có màu xanh… Ngoài tượng trâu kích thước như trâu thật, còn có tượng thần Câu Mang (thần cai quản mùa xuân) kích thước như người thật; và 1.300 con trâu cao một thước ta (chừng 40cm).

Các ghi chép khác cũng cho biết, đàn tế ở cửa Đông Hà được quay theo hướng chính đông, ứng với mùa xuân. Lễ tế được diễn ra vào giờ Tý, lễ tế xong, tượng trâu và thần Câu Mang được rước đến đền Bạch Mã để làm lễ tế thần Long Đỗ - người được phong là Quốc đô định bang Thành hoàng Đại Vương, là Thành hoàng của Kinh thành Thăng Long. Sau đó, tượng thần Câu Mang được đem chôn bên bờ sông Tô Lịch, còn tượng trâu lớn được rước vào hoàng cung, trên đường đi có ba viên quan cầm theo cành dâu, thỉnh thoảng lại quất vào thân trâu biểu thị tống hàn, nghênh xuân...

Vào đến Hoàng Thành, tượng trâu được đặt ở sân Đan Trì, trước điện Kính Thiên để vua và quần thần làm lễ. Kết thúc các nghi thức, tượng trâu được mở ra làm nhiều phần, nhà vua phân phát cho các quan dự tế và đền miếu trong kinh thành. Số tượng trâu loại nhỏ mang sang phủ Chúa Trịnh để chúa phân phát cho các quan và quân lính, mang ý nghĩa cầu may, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống no ấm.
Theo GS.TS. Đinh Khắc Thuân, ngoài tiễn đông đón xuân, với nước ta, con trâu là đầu cơ nghiệp, vì vậy làm lễ dâng trâu đất còn có ý nghĩa khuyến khích chăn nuôi, trồng cấy nông tang…

Dấu tích còn lại

ThS. Phạm Minh Phương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định: Tiến xuân ngưu là nghi thức lễ hội nông nghiệp sớm nhất do triều đình tổ chức hàng năm để cầu một năm mưa thuận gió hòa, từng thay cho lễ tịch điền. Lễ hội truyền thống gắn với kinh thành Thăng Long này được cho là có từ thời Lý, năm Mậu Tý (1048), “Mùa đông, tháng 12, ngày lập xuân, xuống chiếu cho Hữu ty làm lễ nghênh xuân” (Đại Việt sử ký toàn thư). Lễ hội được duy trì đến thời Lê thì trở thành nghi lễ ghi vào điển chế, cử hành ở sân Đan Trì, sau khi rước xuân ngưu và thần Câu Mang từ đền Bạch Mã.

Nghi lễ này có hai phần: Tống tiễn mùa đông và nghênh xuân. Vật tế cũng có hai phần: Xuân ngưu tượng trưng cho tháng Chạp âm lịch, là tháng Sửu, lạnh, và thần Câu Mang, đại diện cho tháng mùa xuân, ấm áp. Triều đình tổ chức lễ Tiến xuân ngưu vào dịp năm mới và mọi người hồ hởi tham gia với mong muốn cầu một năm mới bội thu, may mắn, thịnh vượng.
Qua nghiên cứu, ThS. Phạm Minh Phương cho biết, ở đền Bạch Mã có lệ Tiến xuân ngưu từ thời nhà Lý, đến thời Lê Trịnh thì thêm lễ tế Thần Câu Mang, do phủ Chúa đảm nhận, như ghi chép trong “Lịch triều hiến chương loại chí”.

Vào thời Nguyễn, khi kinh đô chuyển vào Thuận Hóa, lễ hội này cũng chuyển vào kinh đô Huế và chấm dứt từ sau năm 1939. Khi Kinh thành Thăng Long không còn là kinh sư, những đêm hội rước trâu đất vào Hoàng Thành Thăng Long không còn nữa. Tuy nhiên, tại đền Bạch Mã vẫn tổ chức ngày vào đám của đền, theo tục lệ ngày 12 và 13.2 âm lịch, chính hội ngày 12.2 là lễ lớn. Lễ hội vẫn được duy trì đến sau Cách mạng tháng Tám, cho đến những năm 1960 thì bị gián đoạn do chiến tranh. Mãi gần đây, lễ hội đền mới được phục dựng, song tính chất và quy mô đã khác xưa rất nhiều…

Lễ Tiến xuân ngưu hay nghênh xuân từ lâu chỉ còn trong thư tịch cổ, nhưng dấu tích đẹp của nền văn hóa Việt Nam thuở xa xưa vẫn còn đâu đó ở mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ô Quan Chưởng vẫn đứng vững qua thời gian, là cửa ô cuối cùng còn sót lại Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, ngôi đền Bạch Mã, Hoàng Thành Thăng Long được giữ gìn, dù cảnh sắc không như trước.

Trở về nét đẹp xưa

Tiến xuân ngưu đã tồn tại trong suốt mấy thế kỷ gắn với công cuộc dời đô ra Thăng Long của vua Lý và ngôi đền thờ Quốc đô Thành hoàng - Bạch Mã. Qua thời gian, nhiều tục lệ, lễ nghi bị mai một là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần khôi phục lễ Tiến xuân ngưu, bởi đây là nét đặc sắc của Thăng Long xưa, gắn với triều đình và tập tục dân gian.

GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: “Lễ Tiến xuân ngưu, hay lễ hội nghênh xuân gắn với Hoàng Thành Thăng Long và di tích đền Bạch Mã là sự kết hợp hài hòa, sinh động, khéo léo của quan phương với dân gian, của tín ngưỡng với các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, với thiết chế của Nhà nước phong kiến là Nho giáo…”. Từ điện Kính Thiên, trâu đất - biểu hiện cho văn hóa, thực hành sinh kế lúa nước, được rước về đền Bạch Mã, phân phát cho các làng, tổng, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa. Sự nối kết tổ chức nghi lễ ở điện Kính Thiên, với biểu tượng trâu đất, với các làng cửa sông Tô Lịch đổ ra Nhị Hà, là sự nối kết của quan phương và cộng đồng. Đây là một trong những lễ hội sớm nhất, dưới sự chỉ đạo của quan phương, cộng đồng thực hành, không phải tính chất hội làng như nhiều lễ hội khác.

Từ sách cổ thời nhà Lý, đến “Việt Điện u linh tập” thời Trần, đến “Lịch triều hiến chương loại chí” sau này mô tả cách thức triều đình đứng ra tổ chức nghi lễ này. Trên nguồn tư liệu cổ, sử liệu ghi chép ngắn gọn nhưng cụ thể, có thể nhận diện về những gì diễn ra trong quá khứ. Vì thế, có thể nghiên cứu phục dựng lễ Tiến xuân ngưu dựa trên chính sử, kết hợp với văn hóa dân gian.

Lễ hội là môi trường thuận lợi mà ở đó các yếu tố văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển. Những yếu tố văn hóa truyền thống đó không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, vận hành cùng tiến trình phát triển lịch sử. Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh, tổ chức lễ hội đã có sự đứt quãng mấy chục năm, cần tiếp nối truyền thống ở mức nhất định, không thể hoàn toàn như xưa, vì môi trường sinh thái, văn hóa nay đã nhiều đổi khác. Tuy nhiên, cần kế thừa các biểu tượng, hạt nhân văn hóa mang tính đặc biệt gắn với nghi lễ xưa, tạo ra sợi dây nối trục trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tới đền Bạch Mã.

Khôi phục sáng tạo truyền thống trong đương đại, để mỗi lần Tết đến xuân về, các thế hệ lại có dịp nhìn lại và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc biệt của Thăng Long - Hà Nội và Việt Nam.

Thảo Nguyên