Tiền của dân chi đến đâu phải giám sát đến đó
Có đại biểu nêu ý kiến “tiền của dân chi đến đâu thì phải giám sát đến đó”. Đó cũng chính là vì ngân sách nhà nước (NSNN) là một phần công sức đóng góp của nhân dân. Và nhân dân trông chờ vào sự chủ động, tích cực của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong giám sát thực hiện NSNN. Vậy cơ quan dân cử sẽ đóng vai trò như thế nào trong giám sát việc thực hiện NSNN ?
Giám sát của cơ quan dân cử - Giám sát của nhân dân
Nhân dân tham gia giám sát những nguồn lực của mình đóng góp vào NSNN dựa vào đâu? Rõ ràng, ngoài một số cơ quan của nhà nước có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát có tính chuyên ngành như Thanh tra Chính phủ, của các bộ, ngành... thì việc giám sát NSNN phải do cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân thực hiện. Đó chính là QH, HĐND các cấp.
Với quyền năng của mình, QH, HĐND các cấp xem xét, đánh giá hoạt động quản lý, chấp hành NSNN của các cơ quan, tổ chức, các đơn vị chịu sự giám sát trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về NSNN. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan dân cử cần phải sử dụng quyền năng của mình để giám sát thực hiện NSNN như thế nào ?. Thông qua hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, điều trần, đối thoại và khi có vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, cơ quan dân cử cần vào cuộc kịp thời làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp... Vấn đề giám sát thực hiện ngân sách không chỉ do Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ban Kinh tế, Ngân sách của HĐND... thực hiện mà cần có sự vào cuộc của các cơ quan của QH, các Ban của HĐND trên những lĩnh vực mà các cơ quan này đảm nhiệm. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của ĐBQH, đoàn ĐBQH trong giám sát những lĩnh vực cụ thể cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt đối với những vụ việc vi phạm làm thất thoát ngân sách, gây tác động nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế- xã hội, suy giảm lòng tin của nhân dân, cơ quan dân cử phải vào cuộc quyết liệt tìm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; phải giám sát chặt chẽ, nghiêm túc việc xử lý và khắc phục hậu quả, thông tin cho nhân dân biết. Có như vậy mới góp phần lập lại trật tự thực hiện ngân sách nghiêm minh; tránh được thiệt hại, thất thoát lớn.
Bên cạnh việc giám sát về dự toán, phân bổ ngân sách và phê duyệt quyết toán ngân sách, QH còn thực hiện quyền giám sát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách như Nghị định của Chính phủ; các Quyết định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương; các văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Việc giám sát đối với các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách để bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện; bảo đảm việc thực hiện ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, thống nhất. Quá trình giám sát thực hiện các quy định pháp luật về ngân sách và ban hành các văn bản thực hiện có vai trò hết sức quan trọng. Qua giám sát, cơ quan dân cử cần sớm phát hiện các văn bản ban hành sai thẩm quyền, chồng chéo, sơ hở, không phù hợp với thực tiễn, xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Hiện nay, hành lang pháp lý về giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực hiện NSNN là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện NSNN ở các cấp, các địa phương, cơ sở đến các đơn vị sử dụng NSNN, các doanh nghiệp nhà nước vẫn có những sai phạm đáng tiếc xảy ra. Sai phạm do sơ hở của văn bản pháp luật hay do quá trình thực hiện hay vận dụng các văn bản không thống nhất hay cố tình "lách" luật trong hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp, trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, ngân hàng, tín dụng... cần phải được giám sát phát hiện sớm. Không để hậu quả xảy ra mới tiến hành giám sát, xem xét trách nhiệm. Cách làm chủ động như vậy mới góp phần nâng cao năng lực hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước.
Giám sát như thế nào cho hiệu quả?
Quy trình giám sát đã được quy định và triển khai thực hiện. Nhưng làm thế nào để hoạt động giám sát ngân sách có hiệu quả, hiệu ứng tích cực lại phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể giám sát và cách tổ chức thực hiện. Đó là lựa chọn vấn đề cần giám sát; kế hoạch giám sát; tập hợp hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thu thập thông tin; nghiên cứu báo cáo, đối chiếu với các quy định của pháp luật; chuẩn bị các nội dung cần làm rõ khi giám sát; yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ cho hoạt động giám sát... Đó là những yêu cầu tổng hợp mà kết quả của mỗi khâu, mỗi công đoạn sẽ quyết định kết quả giám sát. Kết quả ấy thực chất hay hình thức, thiết thực hay không cần thiết; có nói lên tiếng nói của dân hay không... còn phụ thuộc vào trình độ, trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu, vào khả năng lựa chọn đúng đắn, kịp thời và tiến hành giám sát chuyên sâu, hiệu quả của đoàn giám sát. Bên cạnh đó cần phải phát huy vai trò của kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, các cơ quan chuyên môn, thống kê... để chủ động trong giám sát lĩnh vực ngân sách.
Điều quan trọng hơn hết góp phần nâng cao hiệu quả giám sát ngân sách chính là tính công khai. Công khai lĩnh vực, cách thức và kết quả giám sát tới các đơn vị được giám sát, tới cử tri và công luận. Điều này giúp nhân dân theo dõi giám sát, đánh giá hiệu quả, khả năng hoạt động, cũng như quyết tâm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong giám sát lĩnh vực quan trọng này. Nó cũng góp phần thông tin kịp thời tới cử tri về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và có tính ngăn ngừa, thuyết phục, hạn chế cơ hội vi phạm pháp luật về ngân sách.
Thực tế tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị QH cần tăng cường giám sát chất lượng các công trình xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách, hoạt động đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, đất đai, tài nguyên môi trường... Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị QH tổ chức giám sát tối cao về lĩnh vực đầu tư công vì cử tri cho rằng thất thoát trong lĩnh vực này rất lớn, nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư dàn trải, công tác quản lý chưa chặt chẽ. Đồng thời, tăng cường giám sát về hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, hoạt động của hệ thống ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, thực hiện hiệu quả kiềm chế lạm phát, giảm bội chi ngân sách…
Lắng nghe từ cơ sở, từ những kiến nghị của cử tri, từ công luận, cơ quan dân cử chủ động phát huy vai trò của mình tiến hành giám sát nghiêm túc, hiệu quả, giải quyết kịp thời những bức xúc, âu lo của cử tri; tránh được những sai phạm, thất thoát lớn trong việc sử dụng nguồn vốn từ NSNN. Có đại biểu đã từng nói “tiền của dân chi đến đâu thì phải giám sát đến đó”. NSNN là một phần công sức đóng góp của nhân dân, vì vậy, cử tri nói riêng và nhân dân nói chung trông chờ vào sự chủ động, tích cực và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử trong giám sát thực hiện NSNN.